Liên quan đến việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp thép và đúc luyện kim đều lo ngại nhiều khả năng các sản phẩm tôn thép của Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay ngành thép trong nước mặc dù những năm gần đây đã phát triển rất nhanh nhưng hàng năm chúng ta vẫn phải nhập lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm rất lớn.
Đặc biệt, Trung Quốc đang chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thép nhập khẩu. Vì vậy, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ có tác động hai mặt. Một mặt nhiều mặt hàng thép nhập khẩu thì tác động có lợi cho doanh nghiệp, vì chúng ta nhập được với giá cả hợp lý cạnh tranh.
Nhưng ngược lại, đồng nhân dân tệ phá giá sẽ khiến các sản phẩm thép Trung Quốc như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, các loại tôn... có khả năng nhập ồ ạt vào Việt Nam, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Cũng theo ông Sưa, biện pháp căn cơ nhất để ứng phó với thép Trung Quốc tràn vào vẫn là các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; trong đó tiêu chí cạnh tranh nhất phải là giá cả. Làm thế nào để hạ chi phí trong sản xuất thép để nâng tính cạnh tranh về giá, trong khi chất lượng sản phẩm, các chế độ bán hàng vẫn đảm bảo.
Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch hiệp hội Đúc luyện kim, đồng thời là chuyên gia nhiều năm trong ngành tôn thép nhận định, Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Mỗi năm, nước này xuất khẩu khoảng 60-70 triệu tấn tôn thép các loại.
Thời gian qua, tình hình kinh tế của Trung Quốc có những dấu hiệu không tốt, lượng thép dư thừa lớn, nên họ tìm nhiều cách để đẩy mạnh xuất khẩu và phá giá đồng nhân dân tệ là một biện pháp. Việc phá giá đồng nhân dân tệ giúp làm giảm giá thép thành phẩm của Trung Quốc, tăng lợi thế cạnh tranh về giá. Nhiều khả năng, thời gian tới, thép Trung Quốc sẽ vào Việt Nam với số lượng lớn hơn.
Trong khi đó, các biện pháp phòng chống gian lận thương mại đối với các sản phẩm thép Trung Quốc như thép chứa nguyên tố Bo vào Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Để ứng phó với tình trạng này, bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương, cơ quan hải quan, thuế quan cần phải làm chặt hơn các nội dung trong Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu; kiểm soát tốt hơn lượng thép vào Việt Nam từ phía Trung Quốc. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thép cuộn cán nóng, thép cây... với giá thành cạnh tranh và chất lượng đảm bảo. Như vậy, mới giúp giảm lượng thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu đạt hơn 6,9 triệu tấn các loại, với kim ngạch nhập khẩu gần 4 tỷ USD, tăng 37% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 4 triệu tấn, tương đương hơn 2 tỷ USD và chiếm gần 60% tổng kim ngạch nhập khẩu. Theo sau đó là thị trường Nhật Bản hơn 1 triệu tấn và Hàn Quốc hơn 830.000 tấn./.