Ngày 24/11, các tài xế xe tải ở Hàn Quốc tiến hành đình công lớn lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 6 tháng qua, gây nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều mặt hàng.
Theo đơn vị tổ chức, tổng cộng 25.000 thành viên của Hiệp hội lái xe tải chở hàng đã đình công nhằm phản đối việc chấm dứt đảm bảo lương tối thiểu. Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, các lái xe đề nghị chính phủ triển khai cơ chế lương tối thiểu trong dài hạn do cơ chế này sắp hết hạn vào cuối năm 2022.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeon cho biết sẽ gia hạn cơ chế thêm 3 năm nhưng các tài xế xe tải đề nghị áp dụng cơ chế này lâu dài.
Trước đó, tháng 6 vừa qua, các tài xế xe tải Hàn Quốc đã tiến hành cuộc đình công kéo dài 8 ngày, khiến hoạt động vận tải hàng hóa bị gián đoạn trên khắp nước này. Chính phủ Hàn Quốc ước tính đợt đình công gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD do gián đoạn vận chuyển ôtô, thép và các sản phẩm hóa dầu.
[Hàn Quốc: Tài xế xe tải đình công đòi đảm bảo giá cước]
Cuộc đình công ngày 24/11 cũng gây nguy cơ gián đoạn cung ứng nghiêm trọng, khiến các nhà sản xuất phải giảm sản lượng hằng ngày. Nhiều người lo ngại đình công tại Hàn Quốc sẽ tác động tới các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã chịu nhiều áp lực do các biện pháp phòng dịch COVID-19 kéo dài tại Trung Quốc và ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các tài xế xe tải trở lại làm việc và tham gia các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ vấn đề sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các tài xế xe tải cho rằng nếu cơ chế lương tối thiểu không được đảm bảo lâu dài sẽ có nhiều lao động phải làm thêm giờ và chịu những rủi ro nghề nghiệp.
Họ cũng đề nghị áp dụng cơ chế đảm bảo lương tối thiểu cho cả tài xế xe tải các ngành hàng khác như dầu mỏ, xi măng, container...Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ đề nghị này./.