Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed, dự kiến công bố trong tuần này.
Giá vàng châu Á đi ngang
Giá vàng châu Á đi ngang trong phiên ngày 20/11 trong bối cảnh đồng USD nới rộng đà giảm do đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc việc tăng lãi suất.
Khoảng 14 giờ 39 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.978,89 USD/ounce, sau khi tăng 2,2% trong tuần trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% xuống 1.981,10 USD/ounce.
Một nhà phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda tại Capital.com cho biết thị trường đã chứng kiến một sự thay đổi khá đáng kể trong tuần qua về chính sách của Fed, như thời điểm Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên và mức độ cắt giảm như thế nào.
Thêm vào đó, thị trường cần nhiều chất xúc tác hơn để giúp giá vàng di chuyển trên mốc 2.000 USD/ounce.
Các số liệu cho thấy thị trường việc làm chậm lại ở Mỹ và báo cáo lạm phát tiêu dùng yếu hơn dự kiến trong tuần trước đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể bắt đầu nới lỏng các điều kiện tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Lãi suất thấp hơn gây sức ép giảm giá lên đồng USD và lợi suất trái phiếu, nhưng làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn được xem là tài sản không sinh lời.
Đồng USD đã giảm 0,2% xuống mức thấp của hơn hai tháng rưỡi so với rổ tiền tệ khác, khiến vàng rẻ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 1,49% lên 883,43 tấn trong phiên 17/11.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi biên bản cuộc họp của mới nhất của Fed để tìm kiếm manh mối về lộ trình lãi suất.
Theo chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters, giá vàng giao ngay đang giao dịch trong phạm vi 1.976-1.990 USD/ounce và nếu vượt khỏi phạm vi này, nó có thể cho thấy một chỉ hướng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 23,63 USD/ounce. Còn giá bạch kim tăng 0,4% lên 902,90 USD/ounce và giá palladium ổn định ở mức 1.052,54 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 20/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 70,15 - 70,87 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu tăng do dự đoán OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch cùng ngày, nới rộng đà tăng trước đó do đồn đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, tiếp tục cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ giá.
Giá dầu đã giảm trong bốn tuần do những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông dịu xuống.
Khoảng 14 giờ theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 66 xu Mỹ (0,8%) lên 81,27 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 60 xu (0.8%) lên 76,49 USD/thùng.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng 4% trong phiên ngày 17/11 sau khi hãng tin Reuters dẫn ba nguồn tin của OPEC+ cho hay tổ chức này dự định cân nhắc tiến hành cắt giảm thêm nguồn cung trong cuộc họp ngày 26/11.
Fed hạ lãi suất có thể báo hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại
Việc hạ lãi suất vốn không phải là yếu tố thúc đẩy thị trường đi lên và có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại về cuối năm.
Kể từ cuối tháng 9/2023, giá dầu đã giảm gần 20%. Phó Chủ tịch Cấp cao về nghiên cứu thị trường dầu mỏ tại công ty dầu khí Rystad Energy, ông Jorge Leon cho biết Saudi Arabia đang cân bằng mong muốn giữ giá dầu ở mức cao bằng cách hạn chế nguồn cung với nhận thức rằng làm như vậy sẽ dẫn đến nguồn cung trên thị trường giảm thêm.
Nhà phân tích Tony Sycamore của công ty dịch vụ tài chính IG cho biết giá dầu WTI có thể tăng lên 80 USD/thùng nhờ khả năng OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng hơn nữa tại cuộc họp sắp tới, dù cho giá dầu giảm xuống dưới 72 USD/thùng sẽ khuyến khích Chính phủ Mỹ bổ sung vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ.
Theo ông Sycamore, tất cả những điều đó cho thấy giá có thể sẽ phục hồi trong nửa đầu tuần này.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến sự gián đoạn trong giao dịch dầu của Nga sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba tàu đã vận chuyển dầu thô Sokol đến Ấn Độ.
Ngày 17/11, Moskva đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng, mà có thể giúp tăng thêm nguồn cung nhiên liệu trên toàn cầu. Động thái này diễn ra sau khi Nga dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với xuất khẩu dầu diesel trong tháng trước.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ tuần trước cũng đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí đốt lần đầu tiên sau ba tuần. Số giàn khoan dầu khí đóng vai trò là chỉ số sớm về sản lượng trong tương lai.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên ngày 20/11 sau mức tăng nhẹ trên Phố Wall trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Sau một loạt báo cáo cho thấy lạm phát chậm lại và thị trường việc làm hạ nhiệt, các nhà giao dịch đang chuyển hướng trở lại vào các tài sản rủi ro khi họ đặt cược rằng điều kiện tài chính đang nới lỏng trong năm tới, với nhiều người mong đợi sẽ có đợt cắt giảm lãi suất.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,6% xuống 33.388,03 điểm, sau khi đã có lúc tăng lên mức cao nhất của 33 năm trong phiên sáng.
Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,9% lên 17.778,07 điểm sau khi giảm mạnh trong phiên 17/11 vì giá cổ phiếu của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba giảm 10%. Còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.068,32 điểm.
Chỉ số Sydney, Seoul, Jakarta và Wellington tăng, trong khi chứng khoán Mumbai, Singapore, Bangkok và Manila nằm trong vùng âm.
Sự chú ý của thị trường đang hướng đến biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed, dự kiến công bố vào cuối tuần này.
Trong cuộc họp tháng 11, các quan chức đã giữ nguyên chính sách cho vay và đánh tín hiệu họ có thể đã hoàn tất chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 2,47 điểm (0,22%) lên 1.103,66 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,23 điểm (0,54%) lên 227,77 điểm./.