Các tỉnh phía Bắc chuyển đổi gần 18.000 hecta cây trồng

Năm 2021, vùng có diện tích chuyển đổi cây trồng mạnh nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với gần 10.000ha, chủ yếu chuyển từ đất lúa sang cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu tương, dưa hấu...
Các tỉnh phía Bắc chuyển đổi gần 18.000 hecta cây trồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, các tỉnh phía Bắc chuyển đổi khoảng 17.800ha đất lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản, giảm hơn 2.300ha so với năm 2020.

Trong số đó, diện tích chuyển đổi từ đất hai vụ lúa là 12.900ha, đất một vụ lúa là 4.900ha. Vùng có diện tích chuyển đổi mạnh nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với gần 10.000ha; trong đó, đất 2 vụ lúa đạt trên 8,5 nghìn ha, đất một lúa hơn 1.400ha, chủ yếu chuyển đổi sang cây trồng cạn như ngô, lạc, đậu tương, dưa hấu, cây dược liệu, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu các loại.

Vùng Bắc Trung Bộ chuyển đổi khoảng 4.400ha; trong đó, đất hai vụ lúa khoảng 2.400ha, đất một vụ lúa 1.900ha, sang cây trồng cạn như trồng hoa, cây cảnh, ngô, đậu tương, ớt, cỏ, rau các loại, nuôi trồng thủy sản. Các tỉnh trung du miền núi phía Bắc chuyển đổi khoảng 3.500ha.

Điển hình một số địa phương chuyển đổi nhiều như: Thái Bình đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vụ Xuân, vụ Mùa năm 2021 là 652,59ha sang cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh Thái Nguyên ước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn đạt khoảng 1.100ha, bằng 102,61% so với kế hoạch.

[Tiêu thụ mía nguyên liệu giảm sút vì thiên tai, giá đường giảm]

Để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hằng năm thành vùng tập trung, quy mô lớn, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không quá 10 triệu đồng/ha/năm với mỗi người sản xuất khi thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang cây hàng năm có quy mô tối thiểu 5ha liền vùng tập trung.

Tỉnh cũng hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không quá 20 triệu đồng/ha/người sản xuất khi thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa hoặc cây hàng năm sang trồng cây ăn quả có quy mô tối thiểu 5ha liền vùng tập trung.

Đồng thời, hỗ trợ một lần 50% chi phí để đào, đắp bờ bao nhưng không quá 50 triệu đồng/ha/người sản xuất khi thực hiện chuyển đổi trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản quy mô tối thiểu 10ha liền vùng tập trung... Nhờ đó, Vĩnh Phúc ước kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021 là 1.073,3ha.

Khu vực Bắc Trung Bộ có tỉnh Thanh Hóa thực hiện chuyển đổi 2.174,4 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Cùng với việc chuyển đổi thành công nhiều mô hình từ trồng lúa sang trồng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, nhiều tỉnh đã áp dụng các mô hình ứng dụng những tiến bộ vào sản xuất, mô hình liên kết sản xuất và mô hình sản xuất an toàn.

Các tỉnh phía Bắc chuyển đổi gần 18.000 hecta cây trồng ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Cục Trồng trọt cho biết các địa phương tiếp tục rà soát, đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Thực hiện mạnh việc chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới cần chủ động chuyển sang cây trồng cạn khác như: ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, đậu tương, lạc, rau màu các loại... có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường, có kế hoạch và sản xuất đảm bảo theo GAP, hướng hữu cơ. Đặc biệt vùng Trung du miền núi phía Bắc, vụ Đông Xuân được dự báo thiếu hụt nước.

Kế hoạch năm 2022 dự kiến các tỉnh phía Bắc chuyển đổi khoảng 17.000ha, giảm khoảng 1.000ha so với năm 2021. Trong số đó, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với diện tích kế hoạch khoảng 9.000ha, Bắc Trung Bộ là 4.500ha và Trung du miền núi phía Bắc là 3.500ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục