Cách hữu hiệu để Indonesia vực dậy nền kinh tế sau đại dịch

Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân được đánh giá là kịp thời và toàn diện để giúp giảm tác động kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Indonesia.
Cách hữu hiệu để Indonesia vực dậy nền kinh tế sau đại dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc Chính quyền Jakarta (Indonesia) tái áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội quy mô lớn ở thành phố thủ đô do số lượng trường hợp dương tính với COVID-19 liên tục tăng cao sẽ có tác động to lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và thành phố Jakarta nói riêng.

Do đó, các nhà nghiên cứu kinh tế khuyến nghị rằng Chính phủ Indonesia nên thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp (BLT) cho người dân để ổn định cuộc sống của họ và đảm bảo rằng biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả.

Đây cũng là biện pháp được đánh giá là kịp thời và toàn diện để giúp giảm tác động kinh tế của các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Indonesia.

Nền kinh tế dễ bị tổn thương

Gần 70% lượng tiền mặt lưu thông của Indonesia tập trung ở thành phố Jakarta và khi các hoạt động kinh tế ở thủ đô bị ảnh hưởng sẽ gây ra tác động to lớn đến toàn bộ lãnh thổ Indonesia.

Jakarta đóng góp 17% cho nền kinh tế quốc gia, nếu xảy ra suy thoái kinh tế ở Jakarta, tiêu dùng công cộng có thể bị gián đoạn. Khi nền kinh tế quốc gia Indonesia giảm 5,22% trong quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế của Jakarta đã giảm 8,22%. Đây là con số thấp nhất được ghi nhận trong 10 năm qua, mặc dù mức giảm này không sâu như trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê trung ương (BPS) Indonesia, lĩnh vực tiêu dùng của Jakarta trong quý 2/2020 cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng hộ gia đình, vốn là trụ cột của tăng trưởng kinh tế quốc gia Indonesia, nay đã bị ảnh hưởng rất sâu, được ghi nhận ở mức âm 6,51% so với quý I/2020 và 5,51% so với quý II/2019.

[Giảm phát do COVID-19 đẩy Indonesia đến bờ vực suy thoái kinh tế]

Tiêu dùng hộ gia đình là “tế bào” đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Indonesia, với mức đóng góp tương đương 56,62% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia, đạt 15.833.900 tỷ rupiah vào năm 2019.

Bhima Yudhistira Adhinegara, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) của Indonesia cho biết: “Tại Indonesia đang có mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa số lượng các trường hợp dương tính với COVID-19 và niềm tin của người tiêu dùng. Số người dương tính với COVID-19 càng cao, niềm tin người tiêu dùng Indonesia càng giảm sút.”

Theo chuyên gia Bhima, tác động của sự sụt giảm tiêu dùng này là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế của Indoneisa. Và điều này xảy ra là tất yếu.

Đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất do suy thoái kinh tế gây ra sẽ là những người nghèo, thu nhập thấp và không có việc làm ổn định. Theo ông ước tính của Ridho Al Izzati, một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Smeru của Indonesia, số lượng những người có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói có thể tăng gấp 3 so với con số 480.000 người nghèo hiện nay tại thủ đô Jakarta.

Nguyên nhân dẫn hệ quả này là do nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương thường có thu nhập thấp và thậm chí họ không có tiền tiết kiệm. Thu nhập mà họ nhận được thường là hàng ngày và không có tích lũy, đôi khi bấp bênh.

Tác động của sự suy giảm hoạt động kinh tế trong tháng 3/2020 có thể thấy rõ từ sự gia tăng tỷ lệ nghèo ở Jakarta trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020, từ mức 3,5% lên mức 4,5%, hoặc số người nghèo tăng từ 365.000 lên 480.000 người hiện nay.

Hỗ trợ tiền mặt là biện pháp cần thiết

Trong bối cảnh đó, hỗ trợ tiền mặt là biện pháp cần thiết nhất trong lúc này và cần được xem xét nghiêm túc. Để giảm bớt tác động đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, chính sách BLT là một trong những biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất vì chúng giúp tăng nhanh sức mua của người dân, góp phần làm nền kinh tế chuyển động.

Chính phủ Indonesia cần mở rộng việc phân phối BLT từ những người chỉ là lao động chính thức sang những người làm việc trong khu vực phi chính thức. Người lao động phi chính thức, bao gồm cả lao động vi mô và siêu vi mô, giáo viên, những lao động đã bị mất việc làm… phải được cung cấp một lượng tiền mặt tiếu thiểu bằng hoặc lớn hơn so với mức tiền mặt mà những người lao động có mức lương dưới 5 triệu rupiah/tháng (tương đương 330 USD).

Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng cần phân phát nhu yếu phẩm cho người nghèo ở các vùng lân cận của Jakarta như Bogor, Depok và Tangerang vì nhiều người ở những khu vực này chủ yếu lao động tại Jakarta và trông chờ vào khoản thu nhập tại đây.

Chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người dân trong giai đoạn tái thiết lập giãn cách xã hội quy mô lớn có thể ngăn chặn sự gia tăng nghèo đói tại Indonesia ít nhất là trong một vài tháng tới của năm 2020.

Sự hỗ trợ có thể thông qua việc tăng thêm giá trị hỗ trợ cho các đối tượng cần hỗ trợ. Bên cạnh đó cũng cần tăng độ bao phủ rộng rãi, mở rộng hỗ trợ cho các đối tượng khác trong xã hội hiện nay.

Những thách thức cần giải quyết

Tuy nhiên, để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người dân một cách chính xác, hiệu quả cũng có những thách thức đặt ra mà chính phủ cần giải quyết. Thách thức lớn nhất sẽ là việc xác minh dữ liệu đối tượng thụ hưởng chính sách này.

Để khắc phục điều này, dữ liệu có thể được kết hợp song song, do đó dữ liệu về lao động phi chính thức có thể được thu thập thông qua dữ liệu tại văn phòng hợp tác, cơ quan dịch vụ tài chính và Bộ hợp tác các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dữ liệu về thất nghiệp và người lao động bị chấm dứt việc làm có thể thu thập từ chương trình Thẻ việc làm đã được Chính phủ Indonesia triển khai rộng rãi.

Đối với dữ liệu liên quan đến người nghèo, chính quyền địa phương luôn có dữ liệu đầy đủ và chắc chắn để giúp việc theo dõi và phân phối các hỗ trợ một cách chính xác và hiệu quả.

Chính phủ Indonesia cần có những đánh giá đầy đủ, chi tiết về dữ liệu liên quan đến đối tượng hưởng thụ chính sách này vì càng đến gần cuộc bầu cử địa phương (dự kiến tháng 12/2020) các trợ cấp xã hội càng dễ bị lạm dụng để phục vụ cho mục đích riêng. Cho đến nay, hầu hết việc phân phối trợ cấp xã hội đều căn cứ vào dữ liệu phúc lợi xã hội của chính phủ.

Dữ liệu này không được cập nhật thường xuyên nhất là trong giai đoạn dịch bệnh nên có những điểm không chính xác, gây ra tình trạng nhiều người nghèo không nhận được các khoản trợ giúp của chính phủ.

Sẽ còn phát sinh rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện hỗ trợ người nghèo tại Indonesia đối phó với dịch bệnh, song chính sách hỗ trợ tiền mặt để họ sớm vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay là một trong những biện pháp cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Đó không chỉ là giúp đỡ người nghèo mà còn là biện pháp để kích thích tiêu dùng, giúp chính phủ sớm vực dậy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục