Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp luật và Nhân quyền Indonesia, ông Mahfud, ngày 30/8 cho biết kinh tế nước này có thể sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 9/2020, song đây chỉ là suy thoái kỹ thuật và không có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày ở thành phố Jogjakarta của Indonesia, ông Mahfud cho hay việc Chính phủ Indonesia kêu gọi người dân đón nhận cuộc sống bình thường mới, vừa làm việc vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã không mang lại nhiều kết quả.
Vì thực tế cho thấy ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh vẫn rất hạn chế, số lượng ca lây nhiễm COVID-19 mới đang có dấu hiệu ngày càng tăng, trong khi đời sống kinh tế của người dân tiếp tục đi xuống.
Nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng âm trong quý 2/2020 và tình trạng này sẽ tiếp tục trong quý 3/2020.
[Kinh tế Indonesia suy giảm lần đầu tiên trong 20 năm qua do COVID-19]
Tuy nhiên, ông Mahfud vẫn lạc quan cho rằng, dù nền kinh tế rơi vào suy thoái nhưng người dân không nên lo lắng, vì có nhiều cơ sở vững chắc cho thấy Indonesia sẽ không rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Ông Mahfud nhấn mạnh: "Suy thoái ở đây được hiểu là về mặt 'kỹ thuật.' Trên thực tế, nó không nguy hiểm, mà là vẫn an toàn. Theo lý thuyết, suy thoái kinh tế có nghĩa là tăng trưởng của một quốc gia liên tục ở mức âm trong 2 quý liên tiếp và Indonesia nằm trong phạm vi này. Nhưng suy thoái tại Indonesia không phải là khủng hoảng..."
Cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan, cũng nhận định tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý 3/2020 sẽ không vượt qua mức 0%, thậm chí ở mức âm, mặc dù Chính phủ Indonesia đã cố gắng hết sức để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ông Luhut cho rằng đây không phải là dấu chấm hết, đồng thời cho biết trong các cuộc thảo luận gần đây với Chính phủ Indonesia, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá rất cao các chương trình kích thích, phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của Indonesia và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa để Indonesia sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.
Còn theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý 3/2020 sẽ chỉ ở mức 0% nếu không muốn nói là tăng trưởng âm. Trong khi đó, tăng trưởng trong quý 2/2020 là âm 5,32%. Như vậy, việc nền kinh tế Indonesia rơi vào khủng hoảng là khó có thể tránh khỏi.
Cũng theo nhận định của bà Sri Mulyani, tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Indonesia sẽ trong khoảng từ âm 1,1% đến 0,2%.
Hai chìa khóa chính có thể cứu nền kinh tế nước này thoát khỏi bờ vực suy thoái là phải kích thích thành công lĩnh vực tiêu dùng hộ gia đình và lĩnh vực đầu tư. Điều này đòi hỏi Chính phủ Indonesia nỗ lực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực quốc gia để sớm đưa nền kinh tế ổn định trở lại./.