Indonesia - chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại

Các chính sách thay thế nhập khẩu đang có dấu hiệu trở lại Indonesia. Trong những năm gần đây, quốc gia này đang hướng tới việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do hướng ngoại.
Indonesia - chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Jakarta Globe)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: "Indonesia - Chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại.” Nội dung bài viết như sau:

Các chính sách thay thế nhập khẩu đang có dấu hiệu trở lại Indonesia. Trong những năm gần đây, quốc gia này đang hướng tới việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do hướng ngoại.

Các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thông qua các hiệp ước thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đã bảo đảm cắt giảm thuế quan đáng kể giữa các quốc gia thành viên. Indonesia là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại lớn trong khu vực nhằm hài hòa nhiều hiệp định hiện có.

Tuy nhiên, tâm lý bảo hộ chưa bao giờ xa rời hiên tại và có thể Indonesia coi các hiệp định thương mại như vậy chủ yếu là cách để thúc đẩy xuất khẩu của quốc gia. Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã bày tỏ lo ngại về việc Indonesia sẽ trở thành điểm đến cho hàng hóa xuất khẩu từ các thành viên ASEAN khác sau khi AEC được hoàn thiện. Chính phủ Indonesia cũng đã cố gắng duy trì nhiều hàng rào phi thuế quan, bất chấp những lời tuyên bố.

Xu hướng hướng nội

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 69% số hàng hóa nhập khẩu vào Indonesia phải chịu các biện pháp phi thuế quan, như yêu cầu kiểm tra trước khi vận chuyển và truy xuất nguồn gốc, so với tỷ lệ 31,1% ở Thái Lan.

Ngoài ra, đối với các bộ phận bảo vệ nền kinh tế trong nước, chính sách của Indonesia đối với thương mại và đầu tư xuyên quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cấu trúc. Thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng đã là mối quan tâm lâu dài đối với Chính phủ Indonesia do sự biến động giá đồng rupiah. Đồng rupiah yếu làm tăng chi phí trả nợ nước ngoài cho đất nước.

Trong bối cảnh đó, đại dịch COVID-19 càng khuyến khích xu hướng hướng nội. Vào tháng 7/2020, Bộ Công nghiệp Indonesia đã vạch ra mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong một loạt lĩnh vực, bao gồm máy móc, hóa chất, kim loại và điện tử, với mục tiêu chuyển 35% hàng nhập khẩu hiện tại trong các lĩnh vực này sang các nguồn trong nước vào năm 2022.

[Indonesia bước vào suy thoái kinh tế sau 2 quý tăng trưởng âm]

Trong khi lộ trình vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch, dường như là một phiên bản rõ ràng hơn của các kế hoạch tự cung tự cấp trước đó đã được Bộ hỗ trợ, chẳng hạn các kế hoạch nhắm mục tiêu tỷ trọng sản phẩm trong nước cao hơn trong mua sắm của chính phủ.

Các nhà chức trách hy vọng rằng động cơ này sẽ giúp tăng tỷ lệ sử dụng cho sản xuất trong nước và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Trong khi các chi tiết cụ thể vẫn đang được định hình, các giới hạn và cấm nhập khẩu trực tiếp, kiểm tra trước khi vận chuyển sẽ được áp dụng nhiều hơn và một số hạn chế liên quan đến cảng có thể sẽ được áp dụng.

Chính phủ dự tính cải tiến chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia (được gọi là Tiêu chuẩn quốc gia Indonesia - SNI). Tiêu chuẩn này được cho là sẽ áp dụng trên nhiều mặt hàng nhập khẩu hơn, nhằm định hình lại một chương trình tăng việc sử dụng hàng hóa trong nước (được gọi là P3DN); và tăng thuế quan “tối huệ quốc” đối với hàng hóa.

Những lĩnh vực “hướng nội” được chú ý

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng thâm dụng vốn trong lĩnh vực điện tử, máy móc và dược phẩm đã rút bớt ngoại hối của Indonesia và làm gia tăng thâm hụt thương mại.

Do đó, các khuyến khích tích cực cho doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực mà phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng có khả năng xảy ra. Nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Indonesia trong năm 2019 bao gồm máy móc, thiết bị điện, sắt thép và nhựa.

Những lĩnh vực như vậy sẽ là lĩnh vực chính sách tập trung cho các nhà chức trách khi họ tìm cách tăng cường mức sản xuất trong nước.

Triển vọng thay thế nhập khẩu sẽ khác nhau theo từng lĩnh vực. Cụ thể, việc giảm nhập khẩu máy móc và các hàng hóa thâm dụng vốn khác sẽ khó thành công bởi Indonesia không có nền tảng công nghiệp vững chắc và thiếu chuỗi cung ứng nội địa để sản xuất hàng hóa tư bản cao cấp hơn.

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không đầy đủ cùng năng lực nghiên cứu và phát triển yếu kém cũng khiến việc sản xuất máy móc tiên tiến bản địa trở thành mục tiêu xa vời.

Trong khi đó, ngành công nghiệp hướng đến người tiêu dùng có cơ hội thành công cao hơn, được hỗ trợ bởi sự gần gũi với thị trường nội địa lớn và đang phát triển. Các ngành công nghiệp như thực phẩm và đồ uống và sản xuất hàng tiêu dùng có thể sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, bao gồm cả việc điều chỉnh thuế quan và trợ cấp.

Cơ hội có thể mở rộng sang các lĩnh vực như sản xuất ô tô và điện tử tiêu dùng nếu Indonesia có thể đạt được tiến bộ sâu rộng hơn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Các lĩnh vực kim loại, nhựa và dầu khí sẽ là những ngành khác được cân nhắc dựa trên cơ cấu nhu cầu nhập khẩu của Indonesia. Các nhà sản xuất nhôm, sắt và thép trong nước sẽ được hưởng lợi từ yêu cầu SNI được cải tiến và khả năng tăng thuế đối với kim loại nước ngoài.

Trong một động thái nhằm giúp làm tăng tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước, Chính phủ Indonesia đã công bố mô hình cải tiến Hệ sinh thái Logistics Quốc gia (NLE) với mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp nước này đơn giản hóa quy trình và cắt giảm chi phí logistics.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati ngày 24/9 thông báo Chính phủ nước này đang phát triển NLE phiên bản cải tiến để đơn giản hóa các quy trình cung ứng từ thượng nguồn đến hạ nguồn, đồng thời cắt giảm các chi phí logistics.

Các công ty logistics cho rằng sự cải thiện trong hệ sinh thái logistics quốc gia sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa do chính phủ luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong hệ thống mới dễ dàng hơn. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải đường bộ Indonesia Gemilang Tarigan nhấn mạnh: "Chúng tôi hài lòng với NLE vì mô hình này giúp chúng tôi nâng cao năng suất."

Trong khi đó, mặc dù đầu tư mạnh mẽ vào thăm dò, khó có thể hình dung Indonesia có thể trở thành nhà nhập khẩu ròng nhiên liệu, nhưng nước này sẽ tìm cách tinh chế một lượng lớn hơn sản lượng nội địa trong biên giới quốc gia.

Kế hoạch hoạt động chiến lược của chính phủ và kế hoạch “Making Indonesia 4.0” trước đó đã phác thảo một số biện pháp hỗ trợ chung, bao gồm thiết lập các cơ sở đào tạo nghề, cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các ngành công nghiệp ưu tiên.

Tuy nhiên, một số chương trình hỗ trợ hữu hình có khả năng được đưa ra do không gian tài chính hạn chế.

Do đó, trọng tâm chính sách sẽ là các điều chỉnh chiến lược đối với cơ chế thương mại, bao gồm các hàng rào phi thuế quan, và liên tục bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước.

Không giống như Trung Quốc và Ấn Độ, các chính sách hướng nội của Indonesia không được dẫn dắt bởi các mối quan tâm địa chính trị cụ thể mà là sự đánh giá các lợi ích kinh tế trong nước. Indonesia có ít căng thẳng thương mại với Mỹ và Trung Quốc. Dù thâm hụt thương mại với Trung Quốc là đáng kể, nhưng xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.

Tuy nhiên, dù các nhà đầu tư có thể nhận thấy sự tương đối cách biệt với những căng thẳng địa chính trị ở Indonesia, song việc điều hướng các lợi ích chính trị trong nước vẫn còn nhiều thách thức.

Như đã lưu ý, các doanh nghiệp nước ngoài giữ một vai trò được bảo vệ trong các phân đoạn chính của nền kinh tế Indonesia, chẳng hạn như tài chính, chế biến kim loại và xây dựng. Các nhà chức trách cũng sẽ tiến hành giám sát các khoản đầu tư vào các lĩnh vực chính nhạy cảm, chẳng hạn như khai thác mỏ và trồng dầu cọ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục