Cải cách bên trong là yếu tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Các chuyên gia kinh tế kiến nghị các chính sách cần chú trọng hơn vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm cải thiện về tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kinh tế Việt Nam đang chịu “tác động kép” - từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài của nhiều năm trước đó. Điều đáng quan ngại là hoạt động sản xuất-kinh trong nhiều lĩnh vực kinh tế đang rất khó khăn khi mà sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

'Bơi trong dòng xoáy'

“Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề chủ đề “Bơi trong dòng xoáy,” do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức, ngày 8/8.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục khi có đến 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Bình diện chung, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực. 

[Loại bỏ “rào cản,” tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển]

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ ra những thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng-phát hành trái phiếu doanh nghiệp-chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng Sáu chỉ tăng gần 4,3%, thấp hơn mức tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư… trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi hoặc chưa có nhu cầu vay vốn do tình hình sản xuất-kinh doanh đình trệ, không có lãi.

Cải cách bên trong là yếu tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 1Chính phủ đã và đang tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư… (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức… Doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải ‘bơi trong dòng xoáy khó khăn.’ Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy, từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số điểm tích cực cho thấy xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Bảy đã tăng 3,9% so với tháng Sáu và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 7 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên trong năm đã tăng 4,5% so với cùng kỳ và đạt gần 16,24 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195 tỷ USD, mặc dù vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ song xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

“Chính phủ đã và đang tiếp tục tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư,” Thứ trưởng nói.

Thay đổi bên trong để bù đắp khó khăn bên ngoài

Tại diễn đàn, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cải cách từ bên trong là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. Theo ông cần phải có những thay đổi bên trong để bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

Ông Cung cho rằng các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp còn quá ít, thậm chí một số chính sách đang tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân thấp.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Nguyễn Đình Cung kiến nghị Chính phủ tập trung thực hiện các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ. Đặc biệt là thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp đồng thời kéo dài thời gian giảm thuế VAT để kích cầu, bởi tình hình khó khăn dự báo còn có thể kéo dài sang đến năm 2024.

Quan trọng hơn, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh vào việc cải cách môi trường kinh doanh, từ đó giảm chi phí đồng thời tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Ông lưu ý tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận công chức đang khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí cho xã hội.

Cải cách bên trong là yếu tố quyết định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ảnh 2Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 30 đơn vị - Có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng và tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam năm 2023. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là quan trọng song chính sách cũng cần lưu tâm hơn đến việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cải thiện về tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt là mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Về phát triển thị trường, ông Dương cho rằng cần thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...) và các cấp quản lý nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số hiệp định thương mại tự do của ASEAN.

Mặt khác, ông Dương cũng nhấn mạnh vào hoạt động thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, trong đó cân nhắc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực, liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI…/.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 30 đơn vị - Có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng và tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ nhất, năm 2023.

Diễn đàn cũng trao Cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023 với 5 hạng mục: Dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; Dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; Giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo.

Các sản phẩm/dịch vụ được bình chọn bởi Hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp, trên các dữ liệu được công bố công khai, minh bạch và bình chọn của độc giả trên hệ thống báo điện tử Báo Đầu tư tại địa chỉ https://vwa.vir.com.vn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục