"Cải cách chậm, Việt Nam lỡ nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập"

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng Việt Nam hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong còn chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế.
"Cải cách chậm, Việt Nam lỡ nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập" ảnh 1Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Ngày 27/8, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững."

Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu cùng nhiều đại biểu là các chuyên gia lĩnh vực kinh tế tham dự sự kiện.

Diễn đàn tập trung đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như các cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã, sẽ tham gia.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại quan trọng, trong đó đáng chú ý là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ; gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sắp tới là những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu… được ký kết.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chủ trương hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những yếu kém bất cập khi tham gia hội nhập như chưa tận dụng được thời cơ vận hội, năng lực cạnh tranh còn yếu, cải cách hành chính còn chậm, nguồn nhân lực còn hạn chế...

Để phát triển kinh tế Việt Nam nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các ngành, các cấp cần chú trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và nhân lực cao, bởi đây là những yếu tố quan trọng khi hội nhập.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong thời gian qua Việt Nam hội nhập nhanh nhưng những cải cách bên trong chậm nên không tận dụng được nhiều cơ hội và vượt qua được những khó khăn do quá trình hội nhập tạo ra. Quá trình hội nhập, toàn cầu hóa không làm giảm vai trò của Nhà nước.

Theo đánh giá của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, thành quả của Việt Nam tham gia hội nhập là rất to lớn, nông nghiệp cũng là lĩnh vực thành công khi hội nhập. Các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ trong cung cấp thông tin khi hợp tác và phải hướng vào những thế mạnh của mình.

Bà Victoria Kwakwa cũng tin rằng hội nhập cũng là nền tảng để Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Tại diễn đàn, một số ý kiến cho rằng để có các tổ chức đại diện mạnh, hiệu quả, các doanh nghiệp cần được Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ về cơ chế như tăng cường chuyển giao các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp, tăng cường thực thi các quy định về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục