Cái kết bất ngờ cho người đàn ông giữ hòn đá suốt 25 năm vì tưởng là vàng

Với một chiếc máy dò kim loại trong tay, David đã phát hiện ra một thứ rất đặc biệt tại công viên Maryborough, Australia: Một hòn đá lớn, siêu nặng có sắc đỏ, nằm trong một lớp đất sét màu vàng.

Mảnh thiên thạch được David tìm thấy ở Maryborough, Australia. (Nguồn: Bảo tàng Victoria)
Mảnh thiên thạch được David tìm thấy ở Maryborough, Australia. (Nguồn: Bảo tàng Victoria)

Năm 2015, David Hole, một người đàn ông ở Australia đã tìm tới công viên Khu vực Maryborough gần Melbourne, Australia, để thử tìm vàng. Với một chiếc máy dò kim loại trong tay, David đã phát hiện ra một thứ rất đặc biệt: một hòn đá lớn, siêu nặng có sắc đỏ, nằm trong một lớp đất sét màu vàng.

David lập tức tin rằng bên trong hòn đá có vàng, bởi sau rốt thì Maryborough nằm trong vùng Goldfieds, trung tâm của cơn sốt vàng tại vào thế kỷ 19.

Để phá vỡ hòn đá, David đã thử dùng các công cụ như một chiếc cưa đá, một chiếc máy mài góc, một chiếc máy khoan, búa tạ và thậm chí là nhúng nó vào acid. Tuy nhiên tất cả các biện pháp can thiệp đều không hề gây ra một vết nứt nào trên hòn đá này. Nguyên nhân là bởi thứ anh đang cố phá vỡ không phải là vàng. Phải mất nhiều năm sau, người đàn ông này mới biết được rằng đây là một mảnh thiên thạch rất hiếm.

"Thiên thạch này có những vết xước và lõm trên bề mặt," nhà Khảo cổ học Dermot Henry của Bảo tàng Melbourne chia sẻ với tờ The Sydney Morning Herald. "Những vết đó được hình thành khi thiên thạch bay qua bầu khí quyển. Nhiệt độ và áp suất từ không khí đã khiến vỏ ngoài của thiên thạch bị tan chảy. Nói cách khác thì bầu khí quyển đã định hình lại nó.”

Dù không thể phá được "hòn đá" đặc biệt, nhưng vì quá tò mò, David đã mang nó tới Bảo tàng Melbourne để tìm hiểu xem cuối cùng đó là thứ gì.

“Tôi đã từng được thấy rất nhiều hòn đá bình thường mà những người tìm ra chúng tưởng đó là thiên thạch,” Henry nói với kênh 10 News của Australia. Ông cho biết thêm rằng sau 37 năm làm việc trong Bảo tàng và đã ngó qua hàng ngàn hòn đá, chỉ có 2 thiên thạch thực sự nằm trong số đá. David chính là người thứ hai đã mang thiên thạch tới cho ông.

Một nhà khảo cổ học khác của Bảo tàng Melbourne là Bill Birch giải thích trên tờ The Sydney Morning Herald: “Nếu bạn thấy một hòn đá với kích cỡ tương tự trên Trái đất và nhặt nó lên, thì cảm giác sẽ không quá nặng như thiên thạch.”

Các nhà nghiên cứu sau đó đã đăng một bài viết mô tả mảnh thiên thạch mà David tìm thấy. Nó được xác định có độ tuổi khoảng 4,6 tỷ năm. Thiên thạch được đặt tên là Maryborough, do nó được tìm thấy ở gần nơi này.

Mảnh thiên thạch có khối lượng lên tới 17 kg. Sau khi dùng máy cưa kim cương để cắt đi một mảnh nhỏ của thiên thạch, các nhà nghiên cứu phát hiện thành phần của nó có chứa một lượng sắt rất lớn. Điều này khiến thiên thạch được xếp vào nhóm Chrondrit H5. Sau khi cắt thiên thạch ra, người ta đã quan sát thấy những khoáng chất kim loại li ti trong nó, được gọi là hạt chondrule.

“Các mảnh thiên thạch cung cấp cho chúng ta phương tiện khám phá vũ trụ với chi phí rẻ nhất. Chúng dịch chuyển ta về quá khứ và hé lộ những dấu hiệu về tuổi tác, hình dáng cùng với các nguyên tố hóa học trong Thái dương hệ," Henry nói. "Một số mảnh thiên thạch còn cung cấp cả các thông tin về thành phần sâu bên trong Trái đất. Số khác lại chứa “bụi sao”, thứ còn có tuổi còn lớn hơn cả Thái dương hệ. Bụi sao sẽ cho chúng ta biết các ngôi sao hình thành và phát triển như nào để tạo ra các nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Một số loại thiên thạch hiếm còn chứa các phân tử hữu cơ như axit amin, được coi là các mảnh ghép của sự sống”.

Dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết mảnh thiên thạch này tới từ đâu và nó đã ở trên Trái đất được bao lâu, vẫn có những phỏng đoán được đưa ra. Cần biết rằng Thái dương hệ của chúng ta trước kia chỉ là một đống bụi không gian xoay tròn, với rất nhiều hòn đá chondrite trong thành phần. Chính lực hấp dẫn đã kéo phần lớn các vật chất này kết lại với nhau và hình thành nên các hành tinh.

Với phần bụi đá còn thừa, hầu hết chúng sẽ dạt về một vành đai thiên thạch lớn. "Mảnh thiên thạch này có thể đã tới từ những vành đai thiên thạch của sao Hỏa và sao Mộc, sau khi bị đẩy ra khỏi đó bởi sự va chạm giữa các vành đai này, " Henry nói với kênh 10 News.

Việc xác định niên đại bằng carbon cho biết thiên thạch đã ở trên Trái đất trong khoảng từ 100 đến 1,000 năm. Lịch sử ghi nhận rằng giai đoạn từ năm 1889 cho đến 1951, đã có nhiều cơn mưa sao băng được quan sát thấy. Có khả năng mảnh thiên thạch đã đến Trái đất vào khoảng thời gian đó.

Đã có một sự tranh cãi nổ ra giữa các nhà khoa học rằng liệu mảnh thiên thạch ở Maryborough có quý hiếm hơn vàng, và qua đó khiến nó giá trị hơn hay không. Đây là một trong 17 thiên thạch từng được phát hiện ở bang Victoria của Australia. Nó cũng là mảnh thiên thạch lớn thứ hai từng được tìm thấy ở bang, chỉ xếp sau một mảnh khác nặng 55kg, được tìm thấy và xác nhận vào năm 2003./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục