Campuchia đề nghị Việt Nam không để gián đoạn giao thương biên giới

Campuchia đề nghị Việt Nam phối hợp đảm bảo việc vận tải hàng hóa qua biên giới chung không bị gián đoạn, thúc đẩy việc hồi hương tất cả những công dân Campuchia (nếu có).
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lập rào chắn trên đường mòn biên giới. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên lập rào chắn trên đường mòn biên giới. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 18/3, Campuchia đã đề nghị Việt Nam cùng phối hợp thúc đẩy và đảm bảo việc vận tải hàng hóa qua biên giới chung không bị gián đoạn.

Trong bức thư đề ngày 18/3 gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia nêu rõ: "Việc nhập cảnh của công dân Việt Nam và công dân Campuchia vào Việt Nam sẽ bị tạm ngừng kể từ 23 giờ 59 phút ngày 20/3. Biện pháp này nhằm ngăn ngừa các bất tiện do yêu cầu cách ly cho cả công dân Việt Nam và Campuchia, những người từ Campuchia sang Việt Nam."

Tuy nhiên, biện pháp hạn chế trên không áp dụng đối với những công dân Việt Nam và Campuchia mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.

Phía Campuchia cũng đề nghị chính quyền địa phương hai nước cùng phối hợp thúc đẩy và đảm bảo việc vận tải hàng hóa qua biên giới chung không bị gián đoạn, thúc đẩy việc hồi hương tất cả những công dân Campuchia (nếu có) hiện đang được cách ly y tế tại Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) đã điều chỉnh thông báo về việc yêu cầu hành khách phải có giấy chứng nhận không mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và bảo hiểm COVID-19 trước khi lên máy bay tới nước này.

[Campuchia tạm ngừng hoạt động các cửa khẩu biên giới với Việt Nam]

Theo thông báo mới nhất được công bố trên truyền thông chiều 19/3, quy định nói trên áp dụng cho những người Thái Lan và người nước ngoài đến từ 15 nước, thay vì đối với tất cả các hành khách lên máy bay tại tất cả các điểm như các thông tin đã nêu trước đó.

Theo Cục trưởng CAAT Chula Sukmanop, dự kiến yêu cầu mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/3.

Những hành khách tới Thái Lan đã từng ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Iran, Italy hoặc Hàn Quốc trong vòng 14 ngày đó trước sẽ được cách ly.

Các hãng hàng không phải yêu cầu hành khách từ những vùng bị ảnh hưởng nói trên cùng với 11 vùng đang có sự lây nhiễm ở địa phương trình giấy chứng nhận sức khỏe không bị mắc COVID-19 và được cấp không quá 72 giờ trước khi bay.

Theo CAAT, 11 vùng đang có sự lây nhiễm ở địa phương là Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Nhật Bản (áp dụng đối với các thành phố Aichi, Chiba, Hokkaido, Karagawa, Kyoto, Okinawa, Osaka, Tokyo và Wakayama), Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Mỹ.

Các hãng hàng không cũng phải yêu cầu hành khách từ những địa điểm nói trên có bảo hiểm chi trả cho việc điều trị COVID-19 ở Thái Lan với hạn mức ít nhất là 100.000 USD.

Theo thông báo của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, ngày 19/3, nước này đã ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng Một vừa qua.

Trong số những ca nhiễm mới có 43 ca bắt nguồn từ một trận đấu quyền anh, tại các điểm giải trí ở thủ đô Bangkok và những người đã tiếp xúc gần với các ca bệnh trước đó.

17 ca bệnh còn lại là những người trở về từ nước ngoài, một phóng viên và một huấn luyện viên thể hình.

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát bệnh dịch Thái Lan (CDCT) Suwanchai Watanayingcharoenchai nhấn mạnh hơn 1/2 số ca mắc COVID-19 mới có thể truy nguyên nguồn gốc từ hai sự kiện, đó là trận đấu quyền anh và một bữa tiệc đêm.

Những người này đã trở về nhà, về tỉnh của mình mà phớt lờ những hướng dẫn y tế, mang theo những nguy cơ cho cộng đồng.

Để hỗ trợ Thái Lan đối phó với dịch COVID-19, Trung Quốc đã bàn giao cho quốc gia Đông Nam Á này 100.000 khẩu trang phẫu thuật, 20.000 bộ xét nghiệm, 10.000 khẩu trang N95 và 2.000 bộ bảo hộ cá nhân (PPE).

Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, Trung Quốc cũng đã đồng ý trên nguyên tắc phối hợp với các nhà cung cấp địa phương để bán cho Thái Lan thuốc kháng virus, đặc biệt là Favipiravir, và những vật tư y tế cần thiết khác.

Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) sẽ giám sát việc mua sắm, trong đó có 120.000 viên thuốc kháng virus Favipiravir để nâng mức dự trữ lên mức 200.000 viên.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết Trung Quốc và Mỹ đã đề nghị giúp đỡ Thái Lan mua sắm vật tư y tế và thuốc men để đối phó với dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục