Cân bằng tăng trưởng và ‘thịnh vượng chung’: Thách thức của Trung Quốc

Nỗ lực tạo sự cân bằng tối ưu giữa “tuần hoàn kép” (nhằm gia tăng của cải) và “thịnh vượng chung” (tập trung vào việc phân phối của cải xã hội) là vấn đề quan trọng với sự phát triển của Trung Quốc.
Cân bằng tăng trưởng và ‘thịnh vượng chung’: Thách thức của Trung Quốc ảnh 1Công nhân sản xuất tại một phân xưởng của Skyworth ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 10/2/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi từ mô hình phát triển đặt tăng trưởng làm ưu tiên hàng đầu sang mô hình phát triển tăng trưởng cân bằng và bình đẳng, Trung Quốc đang cố gắng đảm bảo rằng việc tái phân phối của cải xã hội sẽ không làm giảm tầm quan trọng của việc tạo ra của cải.

Là một quốc gia đang phát triển, với thu nhập bình quân đầu người chưa bằng 1/5 của Mỹ, Trung Quốc không thể từ bỏ mục tiêu tăng trưởng và trở thành một quốc gia có phúc lợi đầy đủ. Nỗ lực tạo sự cân bằng tối ưu giữa “tuần hoàn kép” (nhằm gia tăng của cải) và “thịnh vượng chung” (tập trung vào việc phân phối của cải xã hội) là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Gần đây, có một bài phân tích cho rằng đằng sau các cuộc chấn chỉnh có vẻ như không có sự phối hợp đối với nhiều lĩnh vực không liên quan gì tới nhau, một sự thay đổi sâu sắc trong chiến lược phát triển dài hạn của Trung Quốc dường như đang diễn ra, chuyển từ “cho phép một số người làm giàu trước” - cách tiếp cận do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng - sang “thịnh vượng chung cho tất cả” dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong khi cả hai chiến lược nói trên đều nhằm mục đích tái phân phối thu nhập và của cải của Trung Quốc để chuyển đổi xã hội từ hình kim tự tháp sang xã hội theo hình cành ôliu (xã hội trong đó rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu), chiến lược đầu tiên do Đăng Tiểu Bình khởi xướng đã làm điều đó bằng cách đưa mọi người ra khỏi đáy của “kim tự tháp thu nhập," trong khi “thịnh vượng chung” được xây dựng để phân phối lại của cải xã hội từ trên xuống.

[Xuất khẩu vững mạnh, kinh tế Trung Quốc trút bớt gánh nặng]

Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Bắc Kinh có thể sẽ cần tập trung vào việc điều chỉnh chính sách trong 3 lĩnh vực then chốt dưới đây:

Thứ nhất, Trung Quốc phải phân phối lại thu nhập và của cải xã hội thông qua thuế và các biện pháp khuyến khích khác. Mặc dù thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp khó có thể có thay đổi đáng kể, nhưng thuế đánh vào của cải (chẳng hạn như thuế thừa kế và thuế trên thặng dư vốn) và tài sản (chẳng hạn như thuế tài sản) có thể sớm được ban hành để giải quyết vấn đề bất bình đẳng.

Các công ty công nghệ lớn có thể sẽ sớm bị mất những đặc quyền về thuế khi Bắc Kinh thắt chặt các tiêu chí giảm thuế đối với lĩnh vực sáng tạo và siết chặt ngân sách phục vụ cho nghiên cứu và phát triển. Các cuộc thảo luận chính sách gần đây cũng chỉ ra rằng việc tạo ra các động lực thúc đẩy các hoạt động thể hiện lòng bác ái là một cách để tái phân phối của cải xã hội từ giới siêu giàu.

Thứ hai, Trung Quốc phải xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn bằng cách tăng cường bảo vệ các quyền cơ bản. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tổng chi tiêu công của Trung Quốc cho lĩnh vực an sinh xã hội, việc làm và chăm sóc y tế chỉ chiếm khoảng 9% GDP.

Con số này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 20%. Ngân sách hàng năm dành cho cơ sở hạ tầng xã hội cũng thấp hơn rõ rệt so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng trong những thập kỷ qua do Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng. Tuy nhiên, khi các ưu tiên có sự thay đổi, cơ sở hạ tầng xã hội dự kiến sẽ phát triển nhanh hơn, đặc biệt là khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng đang gặp phải những khó khăn riêng về nguồn cung.

Thứ ba, Bắc Kinh phải tăng cường đảm bảo công bằng xã hội và các cơ hội bình đẳng bằng việc hạn chế lợi nhuận dư thừa trong các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa công và hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội.

Thịnh vượng chung - không phải là cân bằng thu nhập, vốn sẽ làm giảm đi các động lực lao động của người lao động và các chủ doanh nghiệp - mà là làm bình đẳng các cơ hội. Trong một thế giới lý tưởng, các công ty ở mọi quy mô và tất cả mọi người ở các giai tầng khác nhau đều có quyền cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng và đều có cơ hội thành công như nhau.

Thực tế so với ý tưởng còn xa nhau, nhưng các quy định (chẳng hạn như luật chống độc quyền) và các chính sách (bao gồm các chính sách củng cố mạng lưới an sinh xã hội) của chính phủ có thể giúp thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh.

Về vấn đề đó, các nhà đầu tư có thể muốn đề phòng những rủi ro về pháp lý trong tương lai đối với các ngành sản xuất các sản phẩm quan trọng đối với xã hội, những ngành đang được hưởng lợi nhuận vượt mức và thu hút được nguồn vốn đáng kể.

Hành trình tiến tới thịnh vượng chung không phải là không có rủi ro. Để đạt được tăng trưởng nhanh và công bằng đòi hỏi phải có sự cân bằng tinh tế giữa các chính sách định hướng tăng trưởng và các chính sách tái phân phối của cải xã hội. Ví dụ, việc thiếu cân bằng sẽ dẫn tới tình trạng thắt chặt quá mức các quy định có thể kìm hãm sự đổi mới, làm suy yếu sức sống của doanh nghiệp và làm giảm năng suất.

Phối hợp chính sách nhịp nhàng cũng là yếu tố then chốt, vì việc định hình lại phân phối thu nhập sẽ đòi hỏi phải cải cách nhiều mặt. Trong bối cảnh các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương đang háo hức chờ đợi sự thay đổi chiến lược mới của Bắc Kinh, một nguy cơ có thể xảy ra là có quá nhiều những quy định được ban hành quá nhanh. Việc thiếu sự đồng bộ về chính sách là một trong những yếu tố khiến thị trường phản ứng mạnh mẽ thời gian gần đây.

Lần gần đây nhất mà các chính sách thiếu sự phối hợp gây ra tình trạng lộn xộn tại Trung Quốc là năm 2015-2016, khi những cải cách sai lầm trong việc quản lý ngoại hối cùng với chiến dịch xóa nợ đã khiến dòng vốn trị giá hàng tỷ nhân dân tệ “chảy” ra khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh cần lưu tâm để không lặp lại sai lầm tương tự.

Cuối cùng, việc thiếu minh bạch trong quá trình đưa ra quyết sạch và sự kết nối kém cũng đã làm trầm trọng thêm sự biến động của thị trường gần đây. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư, gây ra các tác dụng phụ lớn hơn mức cần thiết hoặc thậm chí phá hoại chính các cải cách đó.

Tình trạng các cổ phiếu của Trung Quốc được niêm yết ở nước ngoài bị sụt giá nhiều so với các cổ phiếu ở trong nước cho thấy sự xói mòn niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đã lớn hơn.

Nếu không xử lý thận trọng vấn đề này, sự hiểu lầm về các định hướng chính sách của Bắc Kinh có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài không còn hứng thú đầu tư vào Trung Quốc, từ đó gây ảnh hướng tới nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tự do hóa thị trường và thúc đẩy sự tách rời về tài chính giữa Trung Quốc và Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục