Cán cân quyền lực sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ năm 2022 đang dần định hình, khi đảng Cộng hòa đã giành đủ số ghế tối thiểu (218/435 ghế) để kiểm soát Hạ viện. Đã không có "làn sóng đỏ" xuất hiện như kỳ vọng của phe Cộng hòa, khi đảng Dân chủ có cuộc đua tốt hơn dự báo, nhất là tại các bang chiến địa quan trọng.
Chiến thắng khá bất ngờ của ứng cử viên John Fetterman trước đối thủ Cộng hòa Mehmet Oz đã giúp đảng Dân chủ giành được ghế ở bang Pennsylvania, tạo ra bước ngoặt trong cuộc đua tại Thượng viện.
Đảng Dân chủ giờ đây không chỉ giữ được thế đa số mà còn có thể gia tăng cách biệt hơn với đảng Cộng hòa nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu bổ sung tại bang Georgia vào ngày 6/12 tới.
Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua cũng chứng kiến những dấu mốc mang tính lịch sử. Nhiều ứng cử viên thuộc các nhóm thiểu số đã giành chiến thắng, đưa chính trường Mỹ ngày càng đa dạng hơn về tính đại diện, nhất là với sự góp mặt kỷ lục của ít nhất 12 nữ thống đốc tiểu bang, một số nghị sỹ thuộc cộng đồng LGBTQ và người gốc Phi. Đặc biệt hơn cả là việc ứng cử viên đảng Dân chủ Maxwell Frost, 25 tuổi, đã trở thành viên đầu tiên thuộc "thế hệ Z" được bầu vào Quốc hội Mỹ.
Cán cân quyền lực tại Mỹ sau cuộc bầu cử năm nay sẽ thúc đẩy nhiều động lực hơn cho cả hai đảng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục triển khai các chính sách kiềm chế lạm phát, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Việc kiểm soát Hạ viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để thúc đẩy, triển khai các chính sách quan trọng của Mỹ về cả đối nội và đối ngoại nhằm hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Đáng chú ý, việc cựu Tổng thống Donald Trump vừa mới tuyên bố tái tranh cử cùng với việc có nhiều thành viên đảng Cộng hòa do ông hậu thuẫn giành chiến thắng trong kỳ bầu cử năm nay sẽ khiến cuộc đua vào Nhà Trắng và các cuộc tranh cử quan trọng khác của năm 2024 trở nên quyết liệt và khó dự đoán hơn.
Bối cảnh chính trị Mỹ hiện nay sẽ tác động sâu rộng tới chính trường nước này 2 năm tới, trong đó đảng Dân chủ tiếp tục triển khai các chương trình nghị sự lớn đã được quốc hội thông qua trong 2 năm qua nhằm thực hiện những cam kết tranh cử trước đây của Tổng thống Biden, còn đảng Cộng hòa sẽ tăng cường những rào cản về mặt lập pháp, thúc đẩy mạnh hơn các khuynh hướng bảo thủ.
Về đối nội, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Kevin McCarthy, người nhiều khả năng sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện khóa mới, đã đưa ra chương trình nghị sự “Cam kết với nước Mỹ," trong đó tập trung vào kiềm chế chi tiêu lãng phí của chính phủ, thực hiện các chính sách thuế hỗ trợ tăng trưởng và độc lập về năng lượng để giảm giá khí đốt, hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ biên giới để chống tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Đảng Cộng hòa cũng sẽ thúc đẩy cắt giảm phúc lợi của chương trình Medicare và an sinh xã hội bằng cách nâng độ tuổi đủ điều kiện, khuyến khích người thụ hưởng ghi danh vào Medicare tư nhân và các chương trình hưu trí.
Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa sẽ sử dụng việc nâng trần nợ để đổi lấy việc cắt giảm các chương trình khác như đầu tư năng lượng sạch và an sinh xã hội; sẽ tiến hành điều tra các giao dịch tài chính với nước ngoài của ông Hunter Biden - con trai thứ hai của Tổng thống Biden. Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng có thể thúc đẩy các cuộc điều tra, luận tội Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas về những vấn đề liên quan an ninh biên giới.
[Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng hòa đã giành đủ 218 ghế để kiểm soát Hạ viện]
Về phía đảng Dân chủ, việc giữ được quyền kiểm soát Thượng viện đang giúp đảng này chủ động hơn trong việc thực hiện những chương trình nghị sự lớn, bao gồm các kế hoạch "Xây dựng trở lại tốt đẹp hợp," Đạo luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, Kế hoạch giải cứu nước Mỹ, Kế hoạch việc làm Mỹ...
Đảng Dân chủ cũng gạt bỏ được sức ép từ phe Cộng hòa liên quan việc bỏ phiếu các ứng cử viên tư pháp của chính quyền Tổng thống Biden (bao gồm bất kỳ ứng cử viên nào được đưa lên Tòa án tối cao).
Dường như trước đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng dự đoán được những khó khăn trong 2 năm cuối nhiệm kỳ nên đã nhanh chóng thúc đẩy ban hành luật về nhiều chương trình nghị sự tranh cử như giảm lạm phát (trong đó có chuyển đổi năng lượng sạch), an ninh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Trong khi đó, tác động đối với nền kinh tế Mỹ có thể rất lớn, và ngay cả việc nắm thế đa số hẹp tại Hạ viện cũng sẽ giúp đảng Cộng hòa cản trở Tổng thống Biden và đảng Dân chủ thông qua các đạo luật trong thời gian tới.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa cam kết sẽ kiềm chế chi tiêu liên bang, điều mà họ cho là nguyên nhân gây ra lạm phát cao. Thế đa số hẹp tại Hạ viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có quyền ngăn chặn bất kỳ hóa đơn chi tiêu nào được cho là "quá hào phóng" và buộc đảng Dân chủ phải cắt giảm nếu muốn nhận được sự ủng hộ.
Ngược lại, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng có thể gặp khó khăn trong việc thúc đẩy một số dự luật chi tiêu nếu các nhà lập pháp theo quan điểm bảo thủ phản đối các thỏa thuận lưỡng đảng cuối cùng.
Trong khi đó, nguy cơ vỡ nợ trần cao hơn khi một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa và thậm chí cả bản thân cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi giới lãnh đạo đảng này sử dụng mức trần nợ liên bang làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán chi tiêu liên bang.
Thị trường tài chính Mỹ từng trải qua bất ổn và bị hạ bậc tín nhiệm sau những đợt suy thoái vào năm 2011 và 2013. Nước này đang phải đối mặt với những rủi ro thậm chí còn cao hơn của một cuộc khủng hoảng tài chính khi nền kinh tế đối mặt với những sóng gió. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các gói kích thích kinh tế trong thời kỳ suy thoái sẽ ít có khả năng xảy ra hơn do đảng Cộng hòa sẽ có rất ít động lực để giúp củng cố nền kinh tế nếu Mỹ rơi vào suy thoái.
Các chính sách về đối ngoại nhìn chung không có thay đổi đáng kể, trong đó có quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Campuchia cuối tuần qua, các lãnh đạo ASEAN và Mỹ đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Chiến lược, chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là sự tiếp nối, điều chỉnh từ chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Trump, nhấn mạnh đến việc đoàn kết các đồng minh và đối tác, can thiệp theo cách thức đa phương dựa trên ý thức hệ và nỗ lực khôi phục vị thế thuận lợi của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực. Có thể nói, đối đầu, cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là vấn đề duy nhất nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.
“Chiến lược an ninh quốc gia” của chính quyền Tổng thống Biden mới được công bố thậm chí còn cứng rắn hơn so với thời người tiền nhiệm trong chính sách đối với Trung Quốc. Việc phê chuẩn các gói viện trợ quân sự cho Ukraine tại Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ mất nhiều thời gian hơn, khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, đảng Cộng hòa cũng có thể tận dụng thế đa số tại Hạ viện để tiến hành điều tra về kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Afghanistan./.