Cần cơ chế tài chính tốt cho công nghệ sinh học

Giới nghiên cứu công nghệ sinh học phía Nam cho rằng cần xây dựng sớm một cơ chế tài chính tốt cho ngành công nghệ sinh học.
Một trong những kiến nghị quan trọng nhất mà giới nghiên cứu công nghệ sinh học khu vực phía Nam đưa ra khi kết thúc 2 ngày hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc khu vực phía Nam (23-24/10) là xây dựng sớm một cơ chế tài chính tốt cho các chương trình, dự án nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.

Cho rằng cần có sự lựa chọn ưu tiên khi phát triển công nghệ sinh học, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoài Quốc đề xuất xây dựng chiến lược phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên đầu tư sớm cho các sản phẩm công nghệ sinh học y dược.

Cơ chế tài chính hạn hẹp và cứng nhắc với hàng loạt thủ tục hành chính đi kèm khiến cho việc xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tiến triển rất chậm chạp trong 4 năm qua, cản trở việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng.

Trung tâm này là một mô hình mới được thực hiện một cách đồng bộ từ nghiên cứu đến thử nghiệm, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm về công nghệ sinh học, được hy vọng trở thành một địa chỉ công nghệ sinh học hàng đầu của cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Dương Hoa Xô cho biết những rào cản về tiền lương cho cán bộ khoa học và thủ tục hành chính trong xây dựng khiến cho đến nay, Trung tâm này vẫn chỉ có duy nhất 1 Tiến sĩ và một vài dự án xây dựng Trung tâm được triển khai.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Thám (Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng) trong nhiều đề xuất phát triển công nghệ sinh học vùng Tây Nguyên cũng cho rằng cần có những chính sách về tài chính và nguồn nhân lực có tính bứt phá và khoa học hơn, thay vì những cơ chế cục bộ địa phương mà hiện nay tỉnh nào cũng có song hầu như không có tác dụng.

Ông Thám đề nghị Chính phủ chọn Tây Nguyên để xây dựng Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên quốc gia, trong đó có Trung tâm bảo tồn giống để lưu giữ, phát triển nguồn gene đa dạng sinh học của Việt Nam; xây dựng Chương trình Hoa - Lan công nghệ cao vùng Lâm Đồng – Tây Nguyên; Chương trình dược liệu Tây Nguyên cũng như chương trình cây công nghiệp và công nghệ sinh học cá đặc sản nước lạnh.

Nhiều kiến nghị về thủ tục pháp lý để đưa sản phẩm công nghệ sinh học ra thị trường cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ sinh học khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh không cân xứng với các sản phẩm công nghệ sinh học nước ngoài... cũng được các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phía Nam đưa ra trong dịp này.

Giáo sư Trương Đình Kiệt (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) trong một kiến nghị thay mặt cho các nhóm nghiên cứu tế bào gốc đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng một Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc của khu vực. “Rất cần một cơ chế tài chính tốt và sự đầu tư xứng đáng cho nhân lực, được như vậy chúng tôi sẽ có thể sớm chuyển sang giai đoạn thu hút các nguồn tài chính khác thay vì lệ thuộc ngân sách nhà nước,” ông khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục