Cần có quy định giải phóng mặt bằng với dự án ODA

Theo đại diện của Bộ Tài chính, thời gian tới Việt Nam cần có quy định việc hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt với dự án ODA.
Thông tin về việc Việt Nam có thể phải chi thêm số tiền cả trăm tỷ đồng cho công trình cầu Nhật Tân chậm tiến độ khiến nhiều người giật mình vì cái giá phải trả cho những dự án ODA “rùa.”

Điều đáng nói là cầu Nhật Tân không phải là công trình duy nhất lâm vào thế kẹt. Dự án cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, tuyến Hà Nội-Lào Cai hay công trình đường dẫn Nhật Tân-Nội Bài... cũng đang trong cảnh tương tự vì lý do chung là chậm mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, để việc sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả hơn, thời gian tới Việt Nam cần có quy định về việc tất cả các chương trình, dự án phải hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng trước khi ký kết các hiệp định tài trợ cụ thể.

- Trong thời gian trở lại đây, cam kết vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Theo ông, đây có là điều đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam vẫn có nhu cầu vốn lớn để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội?

Ông Nguyễn Thành Đô: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam đã được nối lại vào năm 1993 và kể từ đó cho đến nay thông qua 20 cuộc Hội nghị chính thức hàng năm của các Nhà tài trợ (CG), Việt Nam đã nhận được được tổng trị giá cam kết lên tới trên 78 tỷ USD. Đây chính là các nguồn vốn dài hạn, lãi suất ưu đãi bổ sung cho đầu tư phát triển nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, nguồn lực này đang giảm dần về giá trị cam kết và các điều kiện vay có xu hướng ngày càng kém ưu đãi hơn.

Tôi cho rằng nguyên nhân một mặt do kinh tế thế giới suy giảm, khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung Châu Âu, nguồn cung ODA trên thế giới giảm sút trong khi nhu cầu nguồn vốn này để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt các nước kém phát triển và các nước có tính hình chính trị bất ổn ngày càng tăng.

Mặt khác, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình do vậy xu hướng giảm dần cam kết ODA và tăng các khoản vay ưu đãi và vay theo điều kiện thương mại thông thường trong thời gian tới là hiện hữu.

Điều này cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là việc duy trì thành tựu giảm nghèo bền vững, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thức được điều đó, các cơ quan có liên quan của Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể nhằm vận động các nhà tài trợ tiếp tục tài trợ vốn ODA cho Việt Nam, đồng thời tăng cường đa dạng hoá các hình thức huy động vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển theo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

- Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn ODA trong năm 2012 đã tăng so với năm trước đó nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng vốn vẫn rời rạc và hiệu quả giải ngân còn nhiều điểm nghẽn, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thành Đô: Việc giải ngân nguồn vốn ODA chủ yếu tùy thuộc vào tiến độ triển khai các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, các nước và tổ chức tài trợ có những tiêu chí tài trợ khác nhau nên việc giải ngân ODA trên thực tế của Việt Nam cũng có các điểm nghẽn nhất định.

Nguyên nhân tình trạng này có nhiều trong đó công tác chuẩn bị các chương trình, dự án còn sơ sài; việc thẩm định, phê duyệt dự án còn bị kéo dài, chất lượng chưa cao.

Đặc biệt là sự phối hợp thẩm định giữa phía Việt Nam với các nhà tài trợ đôi khi chưa đồng bộ, công tác đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều nổi cộm hay việc thiếu vốn đối ứng hay năng lực và trình độ cán bộ quản lý đầu tư còn nhiều hạn chế.

Vì vậy các dự án khi triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh, bổ sung dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng tới công tác đàm phán ký kết, giải ngân, giảm thời gian ân hạn và ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể của quốc gia, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của Việt Nam thời gian qua cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số vốn ODA đã giải ngân lũy kế tính đến ngày 31/12/2012 đạt 37,5 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn ký kết, xu hướng năm sau cao hơn năm trước và đạt xấp xỉ tỷ lệ giải ngân ODA của các nước nhận tài trợ ODA trong khu vực.

- Theo ông, giải pháp nào trong thời gian tới có thể giúp việc quản lý và sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn vốn này đang dần eo hẹp?

Ông Nguyễn Thành Đô: Để khắc phục các điểm nghẽn nói trên, tôi cho rằng nên tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA.

Thời gian tới, giải pháp cần thực hiện là tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 106/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015.

Theo tôi, chúng ta nên sớm thành Ban Chỉ đạo quốc gia về các dự án ODA trên cơ sở nâng cấp Tổ công tác ODA hiện hành để đôn đốc đẩy nhanh các dự án, đề ra biện pháp tháo gỡ và xử lý nếu các vấn đề vượt thẩm quyền các Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam, xác định các điểm còn khác biệt để tiến tới hài hòa thủ tục nhằm tăng cường giải ngân vốn ODA trong thời gian tới.

Tôi cũng thấy rằng, cần có quy định tất cả các chương trình, dự án phải hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng trước khi ký kết các Hiệp định tài trợ cụ thể cho từng chương trình, dự án.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa các khâu thẩm định, đấu thầu, xét duyệt kết quả chấm thầu, phê duyệt thiết kế, dự toán, giải ngân, kiểm soát chi, thanh và thủ tục hoàn thuế đồng thời nâng cao tự chủ, trách nhiệm và tăng cường tập huấn phổ biến kiến thức cho các cấp đối với công tác quản lý tài chính và giải ngân nguồn vốn ODA./.

Cam kết vốn ODA cho Việt Nam đang có xu hướng giảm dần khi năm 2009 là 8,064 tỷ USD, năm 2010 là 7,905 tỷ USD, năm 2011 là 7,386 tỷ USD và năm 2012 là 6,5 tỷ USD.

Hiện tại, Việt Nam đang phải chuyển sang vay hỗn hợp nguồn vốn của ADB, nguồn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Ngân hàng Quốc tế tái thiết và phát triển (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB). Sắp tới, khi được WB xếp vào nước “tốt nghiệp IDA,” Việt Nam sẽ phải chuyển sang vay thuần tuý IBRD.
Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục