Cần hành lang pháp lý cho tình nguyện viên chống dịch COVID-19

Bên cạnh lực lượng chính quy như công an, quân đội, y tế, nhiều nơi đã kêu gọi, vận động một đội ngũ lớn các tình nguyện viên nhưng lại chưa có những quy định rõ ràng về hoạt động của những người này.
Cần hành lang pháp lý cho tình nguyện viên chống dịch COVID-19 ảnh 1Thanh niên tình nguyện chọn lựa hàng hóa, nhu yếu phẩm tại siêu thị giúp người dân. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Chia sẻ quan điểm về công tác phòng, chống dịch COVID-19 bên hành lang kỳ họp vào sáng 26/7, nhiều đại biểu cho rằng việc Quốc hội bổ sung vào chương trình Nghị quyết chung của kỳ họp nội dung về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới là rất thiết thực và cần thiết.

Đưa phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết chung của Quốc hội

Đại biểu Phạm Đại Dương (Phú Yên) cho biết việc quyết định bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào chương trình Nghị quyết chung của Quốc hội là vô cùng cần thiết và sáng suốt.

Trong suốt hơn một năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc rất quyết liệt, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định về phương án phòng dịch hiệu quả; trong đó, có việc cơ chế mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch là rất cần thiết với các địa phương.

[Chuyện về những 'shipper áo xanh' đi chợ, thu mua nông sản giúp dân]

Đại biểu cho rằng trong thời gian tới, công tác phòng, chống dịch cần tiếp tục được tăng cường, khẩn trương do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cấp bách.

“Dịch bệnh diễn ra theo từng giai đoạn và mức độ, ngay hôm qua có thể sẽ khác hôm nay nên chúng ta phải rà soát thường xuyên, đồng thời đưa ra những định hướng, kế hoạch cụ thể,” đại biểu Phạm Đại Dương nêu ý kiến.

Đánh giá cao quyết định này của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng thời gian qua, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương đã áp dụng Chỉ thị 16+ để siết chặt, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hiện nay chúng ta đã có cơ sở pháp lý nhưng không còn phù hợp để giải quyết những việc phát sinh ở phạm vi những vùng có nguy cơ bùng phát dịch bệnh mức độ cao, mà chưa lường được lúc nào sẽ chấm dứt.

Do chưa có quy định rõ ràng nên việc xét nghiệm ở mỗi địa phương cũng có những cách làm khác nhau. Có nơi chấp nhận giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19 có giá trị trong vòng 3 ngày, có nơi thì tính 7 ngày. Như vậy, việc kiểm soát sự lây lan vẫn chưa thực sự chặt chẽ, tác động rất lớn đến sức khỏe của nhân dân.

Tạo hành lang pháp lý về hoạt động phòng, chống dịch

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhắc đến một vấn đề khá quan trọng, đó là vừa qua, nhiều địa phương đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để vào hỗ trợ cho vùng dịch. Bên cạnh lực lượng chính quy như công an, quân đội, y tế, nhiều nơi đã kêu gọi, vận động một đội ngũ rất lớn các tình nguyện viên nhưng lại chưa có những quy định rõ ràng về hoạt động của những người này.

“Hôm qua, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị tăng cường thêm 5.000 tình nguyện viên vào hỗ trợ lực lượng chức năng chống dịch. Vậy địa vị pháp lý của đội ngũ này thế nào và khi họ lên đường theo diện điều động thì phải được pháp luật bảo hộ,” đại biểu Nguyễn Tạo nêu ý kiến.

Với mục tiêu chống dịch như chống giặc, đại biểu tỉnh Lâm Đồng mong muốn Quốc hội ban hành một Nghị quyết chuyên đề riêng về phòng, chống dịch COVID-19 bởi theo ông, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước trong thời gian tới nhưng quy định hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, nhiều việc chưa có chế tài xử lý.

“Chúng ta cần có một hành lang pháp lý cao hơn, chặt chẽ hơn, khẳng định vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ người dân,” đại biểu nhấn mạnh.

Nhiều địa phương, nhất là cấp cơ sở đang triển khai các biện pháp phòng dịch còn mang tính hình thức, đối phó để lấy thành tích; công tác xử lý các trường hợp vi phạm chưa linh hoạt, vẫn cứng nhắc, dập khuôn, máy móc, vừa tốn nhân lực lại không đem lại hiểu quả cao...

Từ thực tế đó, các đại biểu cho rằng việc có một hành lang pháp lý chính thức về hoạt động phòng, chống dịch là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc thực hiện các quy định theo pháp luật, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức rõ tác hại của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ngừa.

Theo đại biểu Triệu Thế Hùng (Hải Dương), nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công tác chống dịch. Chính vì thế ngay khi có thông tin về các trường hợp lây nhiễm ở khu vực lân cận, chính quyền địa phương phải lập tức xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể với từng lực lực một cách khoa học, triển khai các hoạt động phòng, chống hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân...

Nhiều đại biểu đánh giá, qua thực tiễn phòng, chống dịch cho thấy hệ thống y tế cấp huyện còn thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết, như hệ thống oxy trung tâm, máy thở, xét nghiệm.

Trước tình hình số ca nhiễm gia tăng mạnh đã tạo áp lực lớn lên công tác điều trị của hệ thống y tế, một số nơi có dấu hiệu quá tải về nhân lực và thiết bị y tế cần sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế và các địa phương.

Các đại biểu đề xuất Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh để củng cố, nâng cao năng lực, nhằm phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, giảm tỷ lệ mắc, chết và tàn tật.

Chính vì vậy, việc sớm ban hành Nghị quyết về công tác phòng, chống dịch COVID-19, thể hiện quan điểm, chính kiến của Quốc hội khóa XV trong thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, điện của Thường trực Ban Bí thư là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục