Cần hỗ trợ mạnh mẽ các nước nghèo ở châu Á-TBD

Các quan chức cao cấp 35 nước châu Á kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ cho các nước nghèo ở khu vực này để hòa nhập quá trình tăng trưởng.
Các bộ trưởng, quan chức cấp cao 35 nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các đối tác khu vực và quốc tế ngày 28/7 đã kêu gọi dành cho các nước nghèo nhất và các nước bị bất lợi về địa lý ở khu vực này sự hỗ trợ mạnh mẽ để không bị gạt ra ngoài lề quá trình tăng trưởng đầu tư và bùng nổ buôn bán trong khu vực.

Diễn đàn các nhà hoạch định chính sách khu vực châu Á-Thái Bình Dương diễn ra ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, đã thảo luận các lựa chọn chính sách để tiếp tục tận dụng cơ hội đầu tư và buôn bán đang nổi lên và giữ vững được vai trò hàng đầu của khu vực trong phục hồi nền kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), Noeleen Heyzer, nhấn mạnh rằng các nước chậm phát triển nhất, các nước bị bất lợi về địa lý như nằm sâu trong lục địa, hoặc các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp tục bị gạt ra bên lề và không được hưởng lợi ích từ các cơ hội đầu tư và buôn bán đang bùng nổ trong khu vực.

Mặc dù các nước phát triển đã loại bỏ thuế quan đối với hàng xuất khẩu của các nước chậm phát triển nhất, nhưng các quy chế buôn bán phức tạp, các hàng rào phi thuế quan cũng như các biện pháp bảo hộ mậu dịch biến tướng đã tiếp tục chặn hàng xuất khẩu của các nước chậm phát triển nhất của châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài thị trường thế giới phát triển.

Đại diện các nước chậm phát triển nhất khẳng định tác động bất lợi của bảo hộ mậu dịch làm phương hại không chỉ các hoạt động kinh tế mà cả nỗ lực của các nước này nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Châu Á-Thái Bình Dương cần tự nhìn lại mô hình tăng trưởng đầu tư và buôn bán, tập trung nhiều hơn vào xây dựng thị trường trong nước và nhu cầu nội khu vực để bổ sung cho các quan hệ đầu tư và buôn bán ngoại khu vực.

UNESCAP nhấn mạnh tiềm năng buôn bán to lớn giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, theo đó buôn bán nội khu vực mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nhập khẩu của các nước này.

Trong khi hàng rào thủ tục vẫn ngăn chặn phát triển buôn bán và đầu tư nội khu vực, các nước châu Á-Thái Bình Dương cần thúc đẩy biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho buôn bán và đầu tư như là các biện pháp can thiệp then chốt nhằm mục tiêu hoà nhập khu vực lớn hơn về buôn bán và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục