Cần khai thác hiệu quả tiềm năng lớn từ vùng biển

Bảo tồn tài nguyên biển đi đôi với khai thác bền vững có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển của đất nước.
Tài nguyên biển Việt Nam bao gồm tài nguyên sinh vật, tài nguyên phi sinh vật và tài nguyên vị thế, trong đó bảo tồn tài nguyên biển đi đôi với khai thác bền vững có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển của đất nước.

Theo điều tra của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong vùng biển của Việt Nam đã phát hiện được 11.000 loài sinh vật cư trú trong khoảng 20 hệ sinh thái điển hình. Đặc biệt, các hệ sinh thái vùng bờ tiêu biểu như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, vùng triều cửa sông, đầm phá và vùng nước trồi đều có năng suất sinh học cao, là nơi có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi sinh vật biển và nguồn giống hải sản tự nhiên rất phong phú.

Ước tính, mỗi năm các vùng biển Việt Nam cung cấp khoảng 5 triệu tấn cá biển với khả năng khai thác bền vững 2,3 triệu tấn. Đó là chưa kể trữ lượng tôm, mực và các loài sinh vật đáy. Vì vậy, tài nguyên sinh vật là yếu tố quan trọng nhằm duy trì sự phát triển ổn định cho một số ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên như ngành thủy sản, du lịch và bảo tồn thiên nhiên biển.

Bên cạnh đó, trong vùng biển Việt Nam cũng đã phát hiện được 35 loại hình khoáng sản, riêng lượng dầu quy đổi đã thăm dò được chừng 4 tỷ tấn, chưa kể tiềm năng băng cháy, tài nguyên đất bãi triều, năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời...

Biển của Việt Nam chiếm vị trí địa chính trị rất quan trọng trên bình đồ khu vực Biển Đông và thế giới, với tuyến hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Vùng biển rộng lớn với nhiều đảo ở Việt Nam chính là không gian quan trọng để phát triển giao thông đường biển, các hoạt động khai thác hải sản, khai thác dầu khí và khoáng sản rắn trên thềm lục địa. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển đối với các nước trên thế giới.

Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, những năm gần đây việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, cụ thể là quy mô kinh tế biển và vùng ven biển gia tăng, cơ cấu ngành nghề thay đổi đi đôi với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ngành kinh tế mới. Minh chứng là đến nay cả nước đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm, 18 khu kinh tế hướng biển, gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.

Sự phát triển của các ngành kinh tế biển là du lịch, khai thác dầu khí, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản... tại các tỉnh, thành phố có biển đóng góp một phần không nhỏ vào xuất khẩu, thu ngoại tệ. Riêng hàng năm, du lịch biển thu hút gần 15 triệu lượt khách, trong đó hơn 3 triệu khách quốc tế.

Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng từ biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tổ chức triển khai Dự án Quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Đề án hướng dẫn Điều 44 Luật Biển Việt Nam “Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của cả nước” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó, các địa phương có biển lấy đó làm căn cứ xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển của mình.

Đồng thời, Tổng cục khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Biển Việt Nam; ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển các ngành kinh tế biển, đi cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đầu tư thích đáng cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu biển; nâng cao trình độ khai thác, đánh bắt khơi xa; sử dụng không gian biển hợp lý, tiết kiệm tài nguyên; hiện đại hóa đội hình khai thác biển và hệ thống thông tin liên lạc; phát triển thương hiệu biển Việt Nam và mở rộng hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển của Việt Nam./.

Phương Mai

Tin cùng chuyên mục