Các chuyên gia nhận xét, hiện nay, quy định về thu nhập để đáp ứng điều kiện được mua nhà ở xã hội vẫn còn nhiều bất cập.
Điều này đang dẫn đến nghịch lý nhiều người không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn phải tìm đến nhà ở xã hội nhưng chính họ lại không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), đã đến lúc cần điều chỉnh và phân cấp lại đối tượng mua nhà ở xã hội. Đồng thời, cần nới một số điều kiện về cư trú, thu nhập để người có nhu cầu tiếp cận được và thực hiện mua nhà ở xã hội dễ dàng hơn.
Một trong những bất cập khiến khách hàng Nguyễn Thu Trang - người đăng ký mua nhà tại dự án Chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (Đà Nẵng), đành để tuột mất cơ hội là lý do cư trú. Từ Hà Nội chuyển vào Đà Nẵng, chị Trang công tác trong lĩnh vực thể thao đã chứng minh được thu nhập hàng tháng dưới 11 triệu đồng, đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ thì chị Trang không đủ điều kiện về cư trú bởi quy định người ngoại tỉnh phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên. Không có xác nhận thông tin cư trú phù hợp quy định, đồng nghĩa với việc hồ sơ của chị Trang bị “đánh trượt." Giấc mơ sở hữu căn hộ thu nhập thấp lại thêm xa.
Tại một số hội thảo góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập…
Các chuyên gia cho rằng cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.
Một khách hàng mong muốn mua nhà ở xã hội sau khi nghiên cứu kỹ các quy định đã phản hồi, điều kiện để có thể mua nhà ở xã hội đó là mọi thành viên trong gia đình không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, tức thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng. Nhưng với gia đình có 2 con nhỏ, nếu tổng thu nhập 2 vợ chồng không quá 22 triệu đồng thì riêng chi phí thuê nhà, ăn uống sinh hoạt và tiền đóng học cho con cũng đã gần hết thu nhập.
[Vì sao việc triển khai các dự án nhà ở xã hội ở TP.HCM vẫn ì ạch?]
Trong khi đó, nếu mua nhà ở xã hội, bắt buộc đã phải có chút tích lũy. Nếu mua nhà ở xã hội khoảng 1,5 tỷ đồng, thanh toán tối thiểu từ 20-30% tương đương từ 300-450 triệu đồng, phần còn lại vay ngân hàng khoảng trên 1 tỷ đồng thì mỗi tháng trung bình trả khoảng 10 triệu đồng.
Như vậy, nếu mua nhà với thu nhập không quá 22 triệu đồng/tháng thì khách hàng lại khó có thể chứng minh được điều kiện mua nhà hoặc đủ điều kiện thì cũng phải cân đối tài chính hết sức khi 1 nửa thu nhập đã trả cho khoản vay ngân hàng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đề xuất cần xem xét mở rộng đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội, đặc biệt là đối tượng thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, dự thảo Luật nên bỏ quy định điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội là phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Bởi theo ông Lực, quy định này phức tạp, gây ra nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến người dân. Đơn cử như để mua được nhà ở xã hội, người mua phải xin xác nhận bên Tổng cục Thuế về tình trạng mình không phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân. Điều này sẽ rất phức tạp. Thay vào đó, dự thảo Luật nên quy định theo hướng người được mua, thuê mua nhà ở xã hội là những người có mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế.
Ngay như một số chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng phản ánh, thủ tục xác minh đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội còn khá rườm rà. Nhiều trường hợp người lao động ở tỉnh ngoài, có nhu cầu cấp thiết mua nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện mua với lý do đã có đất ở quê hoặc khó khăn khi chứng minh thu nhập.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Dự án Nhà ở Xã hội Evergreen Bắc Giang, đề xuất ngoài 10 đối tượng được thụ hưởng chính sách đã được quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì cần mở rộng thêm điều kiện cũng như những đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đối tượng mở rộng có thể là các công nhân có thu nhập thấp, các chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình…
Bộ Xây dựng thông tin, hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6, theo đó tại Điều 73 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.
Hiện Chính phủ vẫn đang tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong số đó có việc hoàn thiện đề xuất sửa đổi các chính sách liên quan đến quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, bán; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội...
Các nội dung này nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống./.