Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa có quyết định giao số vốn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương cho Chi cục Thủy lợi thành phố để đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở trên sông Trà Nóc, quận Bình Thủy.
Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với số vốn 100 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cho dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp trên sông Trà Nóc, phường Trà An, quận Bình Thủy (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa) do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư.
Đây là dự án nhóm B, đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 với tổng vốn đầu tư gần 272,5 tỷ đồng bao gồm chi phí xây dựng kè 170 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 56 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 7,6 tỷ đồng, chi phí khác 32 tỷ đồng…
Công trình có chiều dài 2 km, quy mô kè kiên cố bêtông cốt thép, mái kè được thảm đá gia cố. Thời gian dự kiến khởi công vào tháng 5/2023 và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tháng 6/2025; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Chi cục Thủy lợi căn cứ danh mục dự án và mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao; tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư trình cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở giao chỉ tiết kế hoạch vốn thực hiện hằng năm, triển khai thực hiện theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng giao các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Chi cục Thủy lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng phát huy hiệu quả đầu tư.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cho biết, bờ sông Trà Nóc đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa (đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Trà An) sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng. Việc đầu tư xây dựng bờ kè nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của dân cư trên toàn tuyến cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực này, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, kè sẽ giúp khắc phục tình trạng lấn chiếm mặt tiền sông, san lấp, gia tải lên bờ sông của các hộ dân, tránh được những thiệt hại do sạt lở gây ra. Đồng thời, ngăn chặn người dân tái lấn chiếm, xây cất nhà trái phép ven sông; góp phần đảm bảo quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của quận Bình Thủy.
[Cần Thơ chi hơn 13 tỷ đồng xây các tuyến kè chống sạt lở khẩn cấp]
Sông Trà Nóc là một trong hai con sông lớn ở quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ), có điểm đầu tiếp giáp với sông Hậu. Con sông này đang đối mặt với tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hàng chục căn nhà. Riêng trong hai năm 2020 và 2021, đoạn sông Trà Nóc chảy qua địa phận phường Trà An xảy ra 7 đợt sạt lở, làm sụp đổ và ảnh hưởng gần 40 căn nhà.
Hiện nay, tình hình sạt lở diễn biến nguy hiểm, tiếp tục đe dọa đến tính mạng, tài sản của hơn 120 hộ dân sinh sống ven tuyến sông này.
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, những năm gần đây, tình hình sạt lở đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố, gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của nhân dân trên địa bàn.
Trong các năm qua, thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến công tác phòng chống sạt lở, đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở bao gồm công trình và phi công trình để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, thời gian qua, địa phương đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng." Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông được dự báo sẽ diễn ra rất phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ gây ra thiệt hại lớn về người tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc.
Thành phố Cần Thơ đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành bố trí nguồn vốn để thành phố xây dựng 4 công trình kè chống sạt lở khẩn cấp có tổng chiều dài 5.150m với kinh phí khoảng 750 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và 1 dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (sông Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100-300 tỷ đồng./.