Có thật diệt được khuẩn?

Cẩn trọng với các sản phẩm "gắn mác" diệt khuẩn

Các chuyên gia nhận định, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn các sản phẩm được quảng cáo có tính năng diệt khuẩn.
Nhìn vẻ hào hứng của chị Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khi nghe người bán hàng giới thiệu về các loại sản phẩm diệt khuẩn, những tưởng chị sẽ dễ dàng chọn mua được những món đồ ưng ý. Thế nhưng, loay hoay cả buổi chiều ở các cửa hàng bán đồ gia dụng, nhấc lên rồi lại đặt xuống, chị dần chuyển từ trạng thái tò mò, vui thích sang vẻ lưỡng lự, bối rối.

“Biết chọn cái gì đây trong 'rừng' sản phẩm này khi nghe quảng cáo thấy cái gì cũng tốt, cái nào cũng hay! Nếu có thể, chắc mình sẽ “khuân” tất cả về nhà,” chị Hoa vừa cười vừa nói, thái độ đầy phân vân.

Quạt mà ngỡ là… điều hòa

Trong vai người mua hàng, chúng tôi tìm đến các cửa hàng bán đồ gia dụng trên phố Hai Bà Trưng. Ngay sau câu hỏi, “ở đây có bán quạt diệt khuẩn không ạ?” người bán hàng lập tức mang ra một chiếc quạt hai tầng, kích thước không lớn hơn chiếc quạt máy bình thường là mấy.

Mặc dù không hề đọc được những hàng chữ Trung Quốc trong hướng dẫn sử dụng sản phẩm nhưng người bán hàng vẫn rất tự tin giới thiệu với chúng tôi về những tính năng hấp dẫn của loại sản phẩm này: “Cô yên tâm đi, “tiền nào của nấy.” Sử dụng loại quạt này không khác gì dùng điều hòa.”

Theo lời người bán hàng, loại quạt này có khả năng tạo nhiều gió hơn các loại quạt thông thường. Đặc biệt, nó có tính năng tuần hoàn không khí, giúp không khí lưu thông, thoáng mát. Không chỉ có vậy, điểm đặc biệt nhất của loại quạt này là có khả năng khử mùi, diệt khuẩn tới trên 90%.

“Chức năng tạo Ion và Ozone để diệt khuẩn được thiết kế chế độ tự ngắt sau 15 phút hoạt động nên không hề tốn điện và không ảnh hưởng sức khỏe người dùng,” người bán hàng ra sức chào mời.

Do có nhiều “tính năng vượt trội” như vậy nên mức giá của loại quạt này khá cao so với quạt điện cơ thông thường: Dao động trong khoảng từ 1 đến 1,3 triệu đồng. Dù vậy, do đánh trúng vào tâm lý sợ… vi khuẩn của người dùng nên đó vẫn là loại sản phẩm bán khá chạy trên thị trường. “Từ khi Hà Nội bước vào mùa nóng, mỗi ngày cửa hàng bán được trên dưới chục cái quạt loại này,” người chủ cửa hàng cho biết thêm.

Ngoài ra, khi được hỏi thêm về các loại sản phẩm diệt khuẩn khác, người bán hàng còn giới thiệu thêm về cây lau nhà diệt khuẩn bằng hơi nước với giá tiền từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/cái, khiến chúng tôi vô cùng “choáng váng”.

Nhìn dáng vẻ bất ngờ và lưỡng lự của chúng tôi, người bán hàng nhanh nhảu giải thích: “Các loại cây lau nhà khác chỉ có thể làm sạch một số vết bẩn thông thường nhưng loại sản phẩm này có khả năng đánh bay mọi vết bẩn lâu ngày cũng như diệt trừ tận gốc các nấm mốc, vi khuẩn mà không cần sử dụng thêm nước lau sàn chuyên dụng. Các gia đình chỉ cần đầu tư một lần lúc đầu nhưng đảm bảo sử dụng lâu bền.”

Không chỉ có vậy, trên thị trường hiện nay còn xuất hiện hàng loạt sản phẩm được gắn mác diệt khuẩn khác khiến người tiêu dùng phải hoa mắt như: thớt, bàn chải đánh răng, dụng cụ mài dao, máy sấy, khăn mặt,…

Hầu hết các loại sản phẩm này, trong đó, đặc biệt là các dụng cụ nấu bếp như mài dao, thớt,… đều được quảng cáo là có sử dụng chất Microban giúp ngăn chặn sự xâm hại của vi khuẩn nấm mốc. Nó có khả năng tác động trực tiếp và giết chết các tế bào vi khuẩn ngay khi vi khuẩn tiếp xúc với sản phẩm, gây hại cho người sử dụng.

Lợi bất cập hại


Nghe câu chuyện về các loại sản phẩm diệt khuẩn trên, Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chỉ lắc đầu cười. Theo ông, loại chất Microban chống khuẩn mà nhà sản xuất nói đến, thực chất, chỉ là để tạo cái mác “nghe bùi tai” khiến người tiêu dùng bị “hoa mắt,” khó xác định chính xác công dụng của sản phẩm.

“Tế bào vi khuẩn có lớp vỏ tế bào khá bền vững. Khi muốn phá vỡ nó thì phải dùng tới sóng siêu âm hoặc cho vào các thanh nghiền để tán, xay. Nếu công nghệ diệt khuẩn chỉ như các sản phẩm kia quảng cáo thì đơn giản quá”, ông Thịnh phân tích.

Nguy hiểm hơn, “về mặt nguyên lý, chất Microban trong sản phẩm được quảng cáo là một chất độc đối với vi sinh học, có khả năng ngấm qua màng tế bào vi sinh vật vào thực phẩm trong quá trình chế biến. Do đó, khi xâm nhập vào cơ thể người, nó sẽ mang nhiều ẩn họa,” ông Thịnh cho biết thêm.

Tương tự, với sản phẩm quạt diệt khuẩn, ông Thịnh khẳng định: Không thể có loại quạt điện diệt khuẩn. Bởi lẽ, quạt điện có cấu tạo và nguyên lý hoạt động đơn giản hơn điều hòa trong việc lọc bụi để hạn chế vi khuẩn ra môi trường do không có bộ phận màng lọc.

Trong trường hợp như quảng cáo, “nếu cấu tạo quạt trực tiếp tỏa ra chất diệt khuẩn Ozone thì lại vô cùng nguy hiểm bởi Ozone thường được sử dụng diệt khuẩn sau khi đã hoà vào trong nước, khi Ozone hòa không khí rất dễ gây ra ngộ độc,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Chính bởi những phân tích như vậy nên Tiến sỹ Thịnh khuyên người tiêu dùng cần thận trọng, tránh nóng vội để tiền thì mất mà lại rước họa vào người./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục