Canada 'vật lộn' gỡ thế bí trong chính sách đối ngoại

Những đổi thay trong môi trường quốc tế khiến Canada phải vật lộn để tìm hướng đi trong một thế giới đang rạn nứt, nơi các mối quan hệ cũ, những quy tắc... đã suy yếu hoặc không còn nữa.
Quốc kỳ Canada (trái) và Quốc kỳ Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: South China Morning Post/TTXVN)

Trong một bài viết mới đây đăng trên tờ Globe and Mail, Lawrence Herman - cựu cán bộ ngoại giao của Canada, hiện đang làm việc trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế tại Herman & Associates - đã nhận định: Về chính sách đối ngoại, Canada đang bị dồn vào bước đường cùng. Dưới đây là một số nội dung chính của bài viết.

Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách đối ngoại của Canada được xây dựng trên 3 trụ cột chính: Duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ; trung thành với hệ thống Liên hợp quốc-Bretton Woods (các thể chế đa phương được thành lập sau chiến tranh); và dựa trên các thỏa thuận và liên minh với các nền dân chủ tự do của phương Tây, bao gồm các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng cơ cấu này đang bị lung lay nghiêm trọng, không chỉ bởi chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà còn bởi những đổi thay trong mối quan hệ giữa Canada với Trung Quốc, với châu Âu và cả Trung Đông.

Mối quan hệ mang tính nòng cốt của Canada với Mỹ đang ngày càng gượng gạo, mặc dù Canada, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về việc thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Đặc biệt, năm 2018 đã kết thúc bằng cuộc khẩu chiến giữa Canada với Trung Quốc sau khi Ottawa theo yêu cầu của Mỹ đã tiến hành bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, người đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Sau đó, Trung Quốc đã bắt giữ cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - động thái mà giới quan sát tin rằng là để trả đũa vụ Ottawa bắt CFO của Huawei. Mối quan hệ giữa Ottawa với Washington và Bắc Kinh hiện được cho là thách thức khó khăn nhất trong chính sách đối ngoại của Canada.

Việc Crimea sáp nhập vào Nga và phản ứng của Canada đã khiến mối quan hệ giữa Moskva và Ottawa trở nên lạnh giá nhất kể từ thời Liên minh Xô Viết tan rã. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland bị cấm nhập cảnh vào Nga, một “sự kiện” chưa từng có tiền lệ.

Tiếp đó là những khó khăn với Saudi Arabia, khi Ngoại trưởng Freeland đăng dòng tweet đề nghị Saudi Arabia thả tự do ngay lập tức đối với hai người bất đồng chính kiến với Riyadh.

Mặc dù Canada có lý do để chỉ trích tình trạng không tôn trọng nhân quyền tại Saudi Arabia, Riyadh đã phản ứng bằng cách trục xuất Đại sứ Canada và tuyên bố vị đại sứ này không được chính phủ Saudi Arabia chấp thuận - một hành động được đánh giá là cực đoan nhất hướng tới việc tuyệt giao giữa hai nước.

Và trong bối cảnh Canada không có quan hệ chính trị với Iran (chính phủ Canada thời Thủ tướng Stephen Harper đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 2012), Canada hiện đã đóng băng quan hệ với hai quốc gia có ảnh hưởng nhất tại khu vực Trung Đông. Tình trạng này làm suy yếu nghiêm trọng chính sách của Canada đối với toàn khu vực.

Trong khi đó, hố sâu ngăn cách về chính trị giữa Canada với các nước Đông Âu tiếp tục rộng hơn. Các quốc gia như Hungary và Ba Lan đang chứng kiến sự trỗi dậy của các chính phủ dân túy cánh hữu. Và tình trạng thiếu tôn trọng những giá trị dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm suy yếu ảnh hưởng của Canada đối với một đối tác quan trọng trong khu vực và một nước đồng minh NATO.

Thêm vào đó, tình trạng rối ren trên chính trường tại Vương quốc Anh, Pháp và Đức (ba đồng minh quan trọng đối với Canada) đã dẫn đến những tình thế phức tạp trong chính sách đối ngoại theo một cách khác, khi ba nước này đang phải dồn sức xử lý các vấn đề nội bộ, khiến liên minh không chính thức này (vốn vững mạnh và nhiều triển vọng khi Thủ tướng Justin Trudeau lên nắm quyền năm 2015) nay trở nên lỏng lẻo hơn.

['Cơn cuồng phong' trong mối quan hệ Canada-Trung Quốc]

Những đổi thay trong môi trường quốc tế khiến Canada phải vật lộn để tìm hướng đi trong một thế giới đang rạn nứt, nơi các mối quan hệ cũ, những quy tắc... đã suy yếu hoặc không còn nữa. Tình hình lại càng tồi tệ hơn khi xuất hiện những thay đổi lớn trên mặt trận đa phương, như việc Mỹ rút khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu trong Liên hợp quốc, quay lưng với Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng như việc chính quyền Mỹ mở cuộc tấn công vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Kết quả là Canada cảm thấy mất mát nhiều trong những liên minh đã tồn tại lâu.

Trong năm 2019, mọi việc dường như khá chông chênh, thậm chí có thể tồi tệ đi. Nước Mỹ, theo quan điểm của ông Lawrence Herman, sẽ tiếp tục là một đồng minh khó có thể tin cậy, đặc biệt là về thương mại.

Những nỗ lực của Ottawa nhằm thuyết phục Mỹ dỡ bỏ thuế đánh vào nhôm, thép của Canada vẫn chưa có kết quả. Mỹ vẫn "gây khó" đối với gỗ xẻ mềm hay các sản phẩm thép của Canada.

Hiện nay, việc xây dựng một khuôn khổ chiến lược mới trong môi trường nhiều biến động và không thuận lợi sẽ một thử thách lớn với Canada, khi năm 2019 báo hiệu sẽ có nhiều giông tố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục