Cảng Hải Phòng: Nhiều kẽ hở trong tạm nhập tái xuất

Hiện các quy định, hướng dẫn về việc tạm nhập tái xuất ở Cảng Hải Phòng còn chồng chéo, gây khó khăn cho đơn vị chức năng thực hiện.
Cùng với cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, các cảng biển Hải Phòng tiếp nhận hơn 80% lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất có giá trị nhiều tỷ USD đi vào nội địa mỗi năm.

Từ thực tiễn quản lý, Cục Hải quan Hải Phòng nhận định, tạm nhập tái xuất là một chính sách đúng đắn giúp doanh nghiệp và Nhà nước có thêm nhiều nguồn thu và là điều kiện thuận lợi để thông thương hàng hoá trong khu vực. Tuy nhiên, hiện các quy định, hướng dẫn về việc tạm nhập tái xuất còn chồng chéo, gây khó khăn cho các đơn vị chức năng thực hiện, tạo nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trục lợi phi pháp, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế xã hội rất cần sớm được điều chỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Cục Hải quan Hải Phòng đã liên tiếp phát hiện và xử lý 42 vụ vi phạm về hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất với số tiền phạt gần 655 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là thời hạn tái xuất, tạm nhập tái xuất hàng hóa không có giấy phép theo quy định, khai báo sai về số lượng, chủng loại hàng hóa…

Các mặt hàng tạm nhập tái xuất thường là các nhóm: hàng thực phẩm đông lạnh; rau, củ, quả, hạt; hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cần có Giấy phép của Bộ Công thương và các hàng hóa khác là nguyên liệu sản xuất. Lợi dụng sự chồng chéo của các văn bản quy định, hướng dẫn đang tồn tại thì doanh nghiệp đã tìm được kẽ hở để lách luật trục lợi phi pháp. Cụ thể, đối với nhóm hàng thực phẩm đông lạnh, doanh nghiệp thường lách luật để vận chuyển trái phép các loại động, thực vật hoang dã bị cấm kinh doanh theo công ước Cites như ngà voi, tê tê, rùa, rắn….
 
 Đối với nhóm hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cần có giấy phép của Bộ Công thương, các doanh nghiệp thường nhập khẩu sai chủng loại so với chủng loại mà Bộ Công thương cho phép trong Giấy phép. Thậm chí, có doanh nghiệp còn lợi dụng vận chuyển các chất thải nguy hại, bị cấm vận chuyển theo công ước Basel như: ắc quy chì, vi mạch điện tử đã qua sử dụng,…Đối với nhóm hàng hóa khác là nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp thường lập chứng từ từ nước ngoài khai sai tên hàng so với loại hàng nhập thật để được phân luồng “xanh” hoặc “vàng”, từ đó được miễn kiểm tra thực tế dành cho nhóm nguyên liệu sản xuất. Nhưng khi Hải quan kiểm tra thì không khó phát hiện lẫn các loại phế liệu cấm nhập khẩu.

Điển hình cho những thủ đoạn trên gần đây nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Anh 99 (trụ sở tại Móng Cái, Quảng Ninh) đã lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất nhập về 99 container không đúng với khai báo hải quan, không có Giấy phép theo quy định của Bộ Công Thương. Vụ việc bị phát hiện khi đội Kiểm soát Hải quan và lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an Hải Phòng tiến hành kiểm tra một container . Qua đó, lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra vụ án và tạm giữ thêm 65 container của doanh nghiêp. Còn Công ty cổ phần Thiên Viễn và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển Thuận Thủy T&T đã phải tái xuất 4 lô hàng là thiết bị văn phòng đã qua sử dụng do doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép theo quy định...

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, để đưa ra các quy định sát thực về chính sách tạm nhập tái xuất, trước tiên cần đánh giá thêm và hiểu đúng bản chất của chính sách này. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam không thanh toán tiền hàng cho phía đối tác nước ngoài mà chỉ làm dịch vụ luân chuyển để hưởng phí dịch vụ. Đây thực chất là hàng “chuyển khẩu” theo quy định của Bộ Tài chính (tại Điều 15, Nghị định 12 cũng như quy định tại Điều 38, Thông tư 194/2010/TT – BTC). Từ việc xác định bản chất về hoạt động này chưa chuẩn dẫn đến nhiều quy định, hướng dẫn về thủ tục xuất nhập khẩu, kể cả về quy định tính thuế, tính phí còn chưa đúng.

Cục Hải Quan đề xuất với các bộ, ngành liên quan cần sửa đổi một số vấn đề về quy định thời gian, điều kiện đăng ký tờ khai; quy định hàng tạm nhập tái xuất phải khai khi tạm nhập; sửa đổi các nội dung liên quan đến giám sát, quản lý hàng tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi thông quan, đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, thống nhất. Hơn thế, có thể quản lý container hàng tạm nhập tái xuất bằng định vị vệ tinh.

Cục cũng đề xuất rút ngắn thời hạn hàng tạm nhập tái xuất được lưu giữ tại nội địa từ 120 ngày xuống ít hơn và không cho phép gia hạn thời gian lưu tại nội địa; không cho phép chuyển loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với nhóm mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt cao và hàng tạm nhập tái xuất theo giấy phép của Bộ Công Thương... Cùng với đó, không cho phép tạm nhập tái xuất hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu, nếu cho phép thì phải được cấp Giấy phép trước khi hàng vào cảng, trên chứng từ vận tải (B/L, Manifest) phải thể hiện số Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất trên chứng từ vận tải phải ghi rõ là hàng tạm nhập tái xuất để cơ quan hải quan quản lý ngay từ khi hàng về đến cảng./.

Hoàng Ngọc (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục