Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có một số cảng đang rơi vào tình cảnh “vắng như chùa bà đanh” sau khi đã bỏ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng chỉ vì… thiếu đường vào cảng.
Dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp có tổng vốn đầu tư giai đoạn I trên 2.730 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 5/2009, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành và có khả năng tiếp nhận lượng hàng trên 8 triệu tấn/năm.
Trong đó bước đầu, dự án sẽ hoàn thiện trước 200m cầu cảng để phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng-Khánh Hội. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có con đường nào được xây dựng vào cảng và con đường duy nhất để đến cảng từ đất liền là bằng… đò.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cảng Sài Gòn-Hiệp Phước cho biết đến nay, dự án đã triển khai được gần 1.050 tỷ đồng, đạt khoảng 38% khối lượng trên tổng mức đầu tư. Hiện cầu tàu số 3 dài 200m, hai bến phao, ba cẩu vạn năng, sáu gàu ngoạm… đã hoàn thành. Tuy nhiên, do tuyến đường kết nối vào cảng chưa được thi công, nên chưa thể khai thác 200m cầu tàu hoàn thành và các thiết bị đã mua sắm, lắp đặt cũng không thể đưa vào sử dụng được. Do vậy, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước đã dùng… bến phao được “dựng” giữa sông Lòng Tàu để khai thác bước đầu mặt hàng gạo.
Năm 2012, Cảng này khai thác bước đầu được 240.000 tấn, đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khai thác này không liên quan đến 200m cầu tàu đã được đầu tư xong. Theo ông Dũng, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước chỉ hoạt động hiệu quả khi tuyến đường D3 từ khu công nghiệp Hiệp Phước dẫn vào cảng được xây dựng. Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện dự án cảng, làm tăng giá thành xây dựng cũng như gây trở ngại cho việc khai thác khi nhiều hạng mục đã xây xong, có thể sử dụng từng phần.
Tuyến đường D3 dài 2,3km, gồm 1,8km đường và hai cây cầu, được dự toán cách đây vài năm có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng. Theo đại diện Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước được chủ đầu tư xin thuê đất trực tiếp,chứ không phải thuê đất của khu công nghiệp. Vì vậy, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước đã nhận xây đường D3 vào Cảng và hiện huyện Nhà Bè đã bàn giao mặt bằng, khu công nghiệp bàn giao hồ sơ…
Giải thích về vấn đề này, ông Dũng cho biết chủ đầu tư đang rất khó khăn trong việc thu xếp vốn thực hiện dự án. Không chỉ vốn đầu tư đường D3 mà toàn bộ các hạng mục của dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước. Để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai dự án đường D3, Cảng Sài Gòn đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính hỗ trợ tìm nguồn vốn theo hình thức ứng vốn để phục vụ công tác triển khai xây dựng đường D3.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự là Cảng Phú Hữu nằm ở khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến Nghé (Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Cảng Phú Hữu được khởi công xây dựng từ năm 2007 và giai đoạn I đã hoàn thành gần 2 năm nay, nhưng cảng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có đường để vào cảng. Cảng Phú Hữu đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố là cảng biển quốc tế với công suất xếp dỡ 4 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn I, tổng mức đầu tư Cảng Phú Hữu là 360 tỷ đồng với 320m cầu cảng để có thể tiếp nhận được tàu có tổng trọng tải 36.000 DWT. Theo kế hoạch, giai đoạn II sẽ đầu tư thêm 220m cầu cảng, làm đường nội bộ, bãi chứa hàng hóa trong phạm vi 9ha. Tuy nhiên, do chưa thể đi vào hoạt động, nên chủ đầu tư đã tạm dừng đầu tư giai đoạn II trong năm 2012.
Theo ông Nguyễn Trọng Cừu - Tổng giám đốc Cảng Bến Nghé, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 đầu tư theo hình thức BOT đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu với chiều dài 1,7km. Tuy nhiên, thực tế trên công trường cho thấy việc thi công rất cầm chừng do còn vướng mặt bằng chưa giải tỏa được của một số hộ dân.
Theo lãnh đạo cảng Bến Nghé, nếu con đường trên có hoàn thành thì việc lưu thông ra vào, cảng cũng rất khó khăn do tuyến đường Nguyễn Duy Trinh quá nhỏ, chỉ có hai làn xe. Theo tìm hiểu, nhiều phương án mở rộng đường, mở đường kết nối xung quanh tuyến Nguyễn Duy Trinh cũng đã được các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, nhưng vẫn đang nằm… trên giấy. Với thực tế như hiện nay, cảnh đìu hiu ở Cảng biển quốc tế Phú Hữu chắc cũng sẽ còn kéo dài.
Trong buổi giám sát tại Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước ngày 19/3 vừa qua, ông Phạm Văn Đông - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: dù có lý do khách quan là sự điều hành không đồng bộ, nhưng vai trò chính trong việc đầu tư, đưa cảng vào khai thác vẫn là chủ đầu tư. Sắp tới, Ban Kinh tế Ngân sách sẽ có những kiến nghị với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có những biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho dự án./.
Dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp có tổng vốn đầu tư giai đoạn I trên 2.730 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 5/2009, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành và có khả năng tiếp nhận lượng hàng trên 8 triệu tấn/năm.
Trong đó bước đầu, dự án sẽ hoàn thiện trước 200m cầu cảng để phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng-Khánh Hội. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có con đường nào được xây dựng vào cảng và con đường duy nhất để đến cảng từ đất liền là bằng… đò.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cảng Sài Gòn-Hiệp Phước cho biết đến nay, dự án đã triển khai được gần 1.050 tỷ đồng, đạt khoảng 38% khối lượng trên tổng mức đầu tư. Hiện cầu tàu số 3 dài 200m, hai bến phao, ba cẩu vạn năng, sáu gàu ngoạm… đã hoàn thành. Tuy nhiên, do tuyến đường kết nối vào cảng chưa được thi công, nên chưa thể khai thác 200m cầu tàu hoàn thành và các thiết bị đã mua sắm, lắp đặt cũng không thể đưa vào sử dụng được. Do vậy, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước đã dùng… bến phao được “dựng” giữa sông Lòng Tàu để khai thác bước đầu mặt hàng gạo.
Năm 2012, Cảng này khai thác bước đầu được 240.000 tấn, đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc khai thác này không liên quan đến 200m cầu tàu đã được đầu tư xong. Theo ông Dũng, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước chỉ hoạt động hiệu quả khi tuyến đường D3 từ khu công nghiệp Hiệp Phước dẫn vào cảng được xây dựng. Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện dự án cảng, làm tăng giá thành xây dựng cũng như gây trở ngại cho việc khai thác khi nhiều hạng mục đã xây xong, có thể sử dụng từng phần.
Tuyến đường D3 dài 2,3km, gồm 1,8km đường và hai cây cầu, được dự toán cách đây vài năm có tổng mức đầu tư khoảng 260 tỷ đồng. Theo đại diện Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước được chủ đầu tư xin thuê đất trực tiếp,chứ không phải thuê đất của khu công nghiệp. Vì vậy, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước đã nhận xây đường D3 vào Cảng và hiện huyện Nhà Bè đã bàn giao mặt bằng, khu công nghiệp bàn giao hồ sơ…
Giải thích về vấn đề này, ông Dũng cho biết chủ đầu tư đang rất khó khăn trong việc thu xếp vốn thực hiện dự án. Không chỉ vốn đầu tư đường D3 mà toàn bộ các hạng mục của dự án Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước. Để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai dự án đường D3, Cảng Sài Gòn đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính hỗ trợ tìm nguồn vốn theo hình thức ứng vốn để phục vụ công tác triển khai xây dựng đường D3.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự là Cảng Phú Hữu nằm ở khu phố 4, phường Phú Hữu, quận 9, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Bến Nghé (Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn) làm chủ đầu tư. Cảng Phú Hữu được khởi công xây dựng từ năm 2007 và giai đoạn I đã hoàn thành gần 2 năm nay, nhưng cảng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do chưa có đường để vào cảng. Cảng Phú Hữu đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố là cảng biển quốc tế với công suất xếp dỡ 4 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong giai đoạn I, tổng mức đầu tư Cảng Phú Hữu là 360 tỷ đồng với 320m cầu cảng để có thể tiếp nhận được tàu có tổng trọng tải 36.000 DWT. Theo kế hoạch, giai đoạn II sẽ đầu tư thêm 220m cầu cảng, làm đường nội bộ, bãi chứa hàng hóa trong phạm vi 9ha. Tuy nhiên, do chưa thể đi vào hoạt động, nên chủ đầu tư đã tạm dừng đầu tư giai đoạn II trong năm 2012.
Theo ông Nguyễn Trọng Cừu - Tổng giám đốc Cảng Bến Nghé, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 đầu tư theo hình thức BOT đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu với chiều dài 1,7km. Tuy nhiên, thực tế trên công trường cho thấy việc thi công rất cầm chừng do còn vướng mặt bằng chưa giải tỏa được của một số hộ dân.
Theo lãnh đạo cảng Bến Nghé, nếu con đường trên có hoàn thành thì việc lưu thông ra vào, cảng cũng rất khó khăn do tuyến đường Nguyễn Duy Trinh quá nhỏ, chỉ có hai làn xe. Theo tìm hiểu, nhiều phương án mở rộng đường, mở đường kết nối xung quanh tuyến Nguyễn Duy Trinh cũng đã được các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, nhưng vẫn đang nằm… trên giấy. Với thực tế như hiện nay, cảnh đìu hiu ở Cảng biển quốc tế Phú Hữu chắc cũng sẽ còn kéo dài.
Trong buổi giám sát tại Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước ngày 19/3 vừa qua, ông Phạm Văn Đông - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: dù có lý do khách quan là sự điều hành không đồng bộ, nhưng vai trò chính trong việc đầu tư, đưa cảng vào khai thác vẫn là chủ đầu tư. Sắp tới, Ban Kinh tế Ngân sách sẽ có những kiến nghị với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có những biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho dự án./.
Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)