Căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ-Iran gia tăng

Căng thẳng thương mại Ấn Độ và Iran gia tăng sau khi Iran ngừng bán dầu thô cho Ấn Độ và Ấn Độ siết chặt chế tài mới đối với Iran.
Căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ và Iran gia tăng sau khi Iran ngừng bán dầu thô cho Ấn Độ và Ấn Độ siết chặt chế tài mới đối với Iran.

Theo tin từ New Delhi, các quan chức của ngân hàng trung ương hai nước sẽ gặp nhau vào ngày 31/12 tại Mumbai để tìm cách tháo gỡ.

Hồi tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) tuyên bố việc thanh toán các hợp đồng giữa Ấn Độ với Iran cần phải được thực hiện bên ngoài hệ thống Liên minh thanh toán châu Á (ACU) - một trung tâm thanh toán được Liên hợp quốc thiết lập năm 1974 để hỗ trợ thương mại ở Nam Á, đặt trụ sở tại thủ đô Tehran của Iran.

ACU gồm các ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Bangladesh, Maldives, Myanmar, Iran, Pakistan, Butal, Nepal và Sri Lanka.

Ngày 29/12, RBI ra lệnh cho các nhà cung cấp tín dụng của Ấn Độ ngừng xử lý các giao dịch tài khoản vãng lai sử dụng hệ thống ACU. Các công ty Ấn Độ cũng không được sử dụng cơ chế ACU khi thanh toán nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Mặc dù Ấn Độ tuyên bố rằng lệnh cấm trên không nhằm vào Iran nhưng trên thực tế, Iran là nước xuất khẩu dầu thô duy nhất sử dụng cơ chế ACU. Trong năm 2010, Iran đã sử dụng cơ chế này để bán hơn 50% tổng lượng dầu thô xuất khẩu.

Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) đã lập tức bác bỏ việc thanh toán hợp đồng với Ấn Độ bên ngoài ACU. Việc các công ty Ấn Độ đề nghị Iran sớm chỉ định một ngân hàng ở châu Âu để hai bên thực hiện thanh toán hợp đồng dầu mỏ, cũng bị NIOC nhanh chóng bác bỏ.

Mỗi năm Ấn Độ nhập hơn 11 tỷ USD dầu thô từ Iran, trung bình khoảng 400.000 thùng/ngày. Hiện Iran là nước cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ, chỉ sau Arập Xêút.

Ông Ambika Sharma, Phó Tổng thư ký Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết tại cuộc gặp sắp tới, các đại diện của Ấn Độ và Iran sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này, có thể thanh toán bằng một đồng tiền khác, không sử dụng đồng euro hay USD.

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề phức tạp mới nảy sinh này xuất phát từ sức ép của Mỹ nhằm tìm cách ngăn cản các thỏa thuận thương mại của quốc tế với Iran, từ đó buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Iran không ngừng khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình, không phải để phát triển bom nguyên tử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục