Cảnh báo bế tắc về văn bản cuối cùng của Rio+20

LHQ cảnh báo bế tắc trong thương lượng giữa các thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế về văn bản cuối cùng của Hội nghị Rio+20.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 5/6, Liên hợp quốc tiếp tục cảnh báo bế tắc trong các cuộc thương lượng giữa 193 nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, giới học giả và khu vực kinh tế tư nhân về văn bản cuối cùng của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) sẽ diễn ra tại Brazil vào tháng này.

Đây là kế hoạch hành động toàn cầu về phát triển bền vững mang tên “Vì một tương lai mà nhân loại mong muốn.”

Mặc dù kéo dài thêm một tuần ngoài dự kiến nhưng cuộc thương lượng Kế hoạch hành động “Vì tương lai nhân loại mong muốn” vẫn không đạt được đồng thuận và phải chuyển vấn đề này đến các phiên họp cuối cùng kéo dài 3 ngày trước thềm Hội nghị Rio+20.

Nếu cuộc thương lượng cuối cùng này vẫn thất bại, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ tham dự Rio+20 sẽ phải trực tiếp thương lượng văn bản cuối cùng này tại Hội nghị Rio+20 sẽ khai mạc vào ngày 20/6 tới.

Cuộc thương lượng cuối cùng về Văn bản “Vì tương lai nhân loại mong muốn” dự kiến diễn ra từ ngày 13/6-15/6 tới với lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước thể hiện tinh thần mềm dẻo để có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề cơ bản nhất trước Hội nghị Rio+20.

Nhiều nhà ngoại giao ở Liên hợp quốc cho rằng lời kêu gọi này có thể không được đáp ứng. Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời là Tổng Thư ký Rio+20, Sha Zukang vẫn lạc quan cho rằng các cuộc thương lượng đã thể hiện tính đối thoại thực sự với mong muốn tìm ra lập trường chung.

Trước cuộc thương lượng kéo dài một tuần ở New York, Mỹ, chỉ có 6% nội dung văn bản cuối cùng được thoả thuận nhưng sau cuộc thương lượng này, số vấn đề đạt được đồng thuận đã lên tới 20%, đồng thời cũng đã đạt nhiều tiến bộ về các biện pháp hành động như các sáng kiến tăng tài trợ, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực nhằm hỗ trợ phát triển bền vững.

Các thỏa thuận này sẽ thúc đẩy tiến bộ về các vấn đề then chốt như an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, năng lượng, các đại dương, bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và giáo dục. Tuy nhiên nhiều vấn đề đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quan hệ Bắc-Nam vẫn còn chia rẽ sâu sắc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước đem tinh thần đối thoại tích cực này đến Hội nghị Rio+20 để Liên hợp quốc có thể phát động tiến trình đưa các mục tiêu phát triển bền vững trở thành vấn đề trung tâm của khuôn khổ phát triển toàn cầu sau năm 2015, năm kết thúc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục