Bắc Cực đang ấm lên nhanh chóng là một "điều bình thường mới," cho thấy tình hình ngày càng phức tạp và không thể dự đoán được của khí hậu tại nơi được coi là "tủ lạnh của hành tinh" này.
Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong Báo cáo về tình trạng Bắc Cực của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) ngày 12/12, trong đó báo động tốc độ tăng nhiệt nhanh tại khu vực lạnh giá nhất Trái Đất này.
Theo báo cáo thường niên của NOAA, Bắc Cực đang trải qua giai đoạn chưa từng có trong lịch sử khi nơi này ghi nhận tốc độ tăng nhiệt nhanh gấp 2 lần các khu vực khác trên Trái Đất, khiến mực nước biển dâng cao do băng tan và thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn.
Dữ liệu thống kê cho thấy trong năm ngoái diện tích biển Bắc Cực bị băng bao phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi nhiệt độ tại đây ghi nhận mức cao thứ hai trong thời kỳ hiện đại. Báo cáo, quy tụ sự tham gia của 85 nhà khoa học tại 12 nước, nhận định hiện tượng mật độ và tốc độ bao phủ của băng biển và bề mặt đại dương trong thế kỷ 21 giảm là điều chưa từng thấy trong vòng ít nhất 1.500 năm trở lại đây và có thể xa hơn.
Các nhà khoa học cảnh báo với tình trạng này, không có dấu hiệu cho thấy khí hậu tại cực bắc sẽ trở về thời kỳ băng giá hoàn toàn như nhiều thập kỷ trước và điều này khiến khí hậu tại Bắc Cực phức tạp hơn, khó đoán hơn, hay còn gọi là bước đến "điều bình thường mới."
[Nhất trí thỏa thuận "lịch sử" giúp bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực]
Trong báo cáo, các nhà khoa học đã chỉ ra hai vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, đó là tình trạng tan băng tại Greenland (Đan Mạch) và sự ấm lên trong không khí và nước ở Bắc Cực. Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Bắc Cực của NOAA, Jeremy Mathis, người cùng tham gia báo cáo trên, cảnh báo diễn biến tại Greenland sẽ khiến mực nước biển dâng lên mức đáng ngại, trong khi đó những biến đổi toàn diện về nhiệt độ tại Bắc Cực có thể cản trở luồng khí lưu thông trên khắp Trái Đất, tác động đến điều kiện thời tiết. cũng như khiến thời tiết cực đoan hơn.
Ông Mathis nhận định những thay đổi về khí hậu tại Bắc Cực không chỉ giới hạn tại khu vực này mà còn xảy ra trên khắp thế giới, tác động đến cuộc sống của con người. Ông chỉ ra rằng con người sẽ phải chi nhiều hơn do giá thực phẩm tăng, đối mặt với thời tiết cực đoan nhiều hơn do sự thoát khí lạnh từ "tủ lạnh của hành tinh."
Những cơn bão tuyết bất thường, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại miền Tây nước Mỹ và những cơn bão hoành hành tại vùng duyên hải Vịnh Mexico của nước này là minh chứng cho sự ảnh hưởng từ tình trạng tan băng tại Bắc Cực./.