Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Nhiệt đới Smithsonian (ISIT) tại Panama mới đây đã lên tiếng cảnh báo các rạn san hô tại vùng biển Thái Bình Dương tại quốc gia Trung Mỹ này đang đối diện nguy cơ biến mất do nhiệt độ tăng cao tại đại dương.
Nghiên cứu mới nhất của ISIT cho thấy hiện tượng hóa trắng (chết) đã lan ra gần một nửa diện tích của quần thể sinh vật này, đồng thời đưa ra cảnh báo việc nhiệt độ đại dương khó có thể trở lại mức bình thường cho tới đầu năm 2016 và thậm chí tiếp tục tăng do hiện tượng El Nino sẽ gây ra cuộc “thảm sát” san hô lớn nhất trong hai thập kỷ qua tại Thái Bình Dương.
Trong mùa El Nino 1982-1983, lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được rằng nhiệt độ cao gây ra hiện tượng chết hay “hóa trắng” tại san hô, và khi đó quần thể san hô được nghiên cứu quanh đảo Coiba của Panama đã mất tới 75% diện tích.
Tới mùa El Nino 1997-1998, dù các nghiên cứu khoa học cho rằng san hô có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, diện tích san hô tại vùng biển của Panama vẫn mất tới 13% diện tích.
Giới khoa học khi đó nhấn mạnh xu hướng của biến đổi khí hậu không chỉ làm các đại dương nóng lên mà còn tăng độ chua của nước biển do lượng CO2 tăng trong khí quyển.
Giả thuyết san hô có thể thích nghi nhanh với các cú sốc nhiệt, được ghi nhận trong hai mùa El Nino gần nhất, từng mở ra triển vọng mới về số phận của các hệ sinh thái biển trong 100 năm tới trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo giáo sư Juan Mate, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của ISIT, không phải tất cả mà chỉ có một số loài san hô có khả năng chịu đựng và thích nghi với thay đổi môi trường nhanh hơn.
Ngoài ra, các cơ chế đề kháng này cũng chỉ có giới hạn và sẽ tới thời điểm các loài san hô không thể thích nghi với biến đổi khí hậu và dẫn tới sụp đổ hệ sinh thái./.