Cảnh báo sớm - lá chắn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro

Bộ Công Thương đang triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biện pháp phòng vệ thương mại.
Cảnh báo sớm - lá chắn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro ảnh 1Việc theo dõi cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bộ Công Thương cho biết bên cạnh cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại sẽ gia tăng đòi hỏi doanh nghiệp cần nắm vững quy định để tận dụng ưu đãi cũng như bảo vệ chính mình.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại và nguy cơ hàng hóa bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn chuyển tiếp khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, tất cả các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà nước này duy trì sẽ trải qua quá trình xem xét chuyển đổi trên toàn lãnh thổ do Cục Điều tra biện pháp thương mại (TRID) dẫn đầu. 

Chính vì vậy, trước ngày hết hạn của các biện pháp được duy trì, TRID sẽ ban hành thông báo khởi xướng để chính thức bắt đầu xem xét chuyển tiếp biện pháp.

Đáng lưu ý, Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh (DIT) đã xác định 19 loại sản phẩm được áp dụng biện pháp tự vệ hiện tại của EU, nơi có sản xuất của Vương quốc Anh. 

Để cung cấp tính liên tục cho các nhà sản xuất, biện pháp này sẽ được chuyển đổi cho 19 loại sản phẩm vào cuối giai đoạn chuyển tiếp. Biện pháp này có hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ).

Đặc biệt loại thuế này khi mà hàng hóa đến một số lượng quy định phải chịu thuế nhập khẩu thấp hơn so với hàng hóa ngoài hạn ngạch ở một khoảng thời gian nhất định. Khi vượt quá hạn ngạch, thuế nhập khẩu cao hơn sẽ được áp dụng.

Các biện pháp TRQ cụ thể của Vương quốc Anh đã được tính toán lại cho mỗi trong số 19 loại sản phẩm sử dụng cùng một phương pháp được sử dụng bởi Ủy ban châu Âu (EC). 

Nhằm bảo đảm các biện pháp tự vệ đã chuyển đổi có hiệu quả, nhất là với Vương quốc Anh từ ngày đầu tiên áp dụng chính sách thương mại độc lập, DIT cũng thu thập thông tin liên quan đến các luồng thương mại lịch sử với các sản phẩm thép từ năm 2015-2017 theo biện pháp này để cho phép tính toán lại hạn ngạch thuế quan (TRQs).

Các chuyên gia thương mại cho hay kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, kể từ khi Vương quốc Anh chính thức rời EU vào cuối tháng 1/2020, các cuộc điều tra về biện pháp phòng vệ thương mại đã được thực hiện bởi chính DIT thông qua TRID.

Các chức năng này sẽ được chuyển sang Cơ quan Phòngvệ thương mại Vương quốc Anh (TRA). Trên thực tế, bất chấp việc chuyển giao trách nhiệm từ TRID sang TRA, phần lớn sẽ vẫn giữ nguyên và các cuộc điều tra đang diễn ra sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi.

Theo các chuyên gia thương mại, việc hàng hóa xuất khẩu trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu như Vương quốc Anh là khó khăn rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam để ứng phó với các vụ việc điều tra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn các đối tác khác, lại nhận được những lợi ích cạnh tranh nhất định.

[Hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại để phù hợp bối cảnh mới]

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Vương quốc Anh cần thường xuyên theo dõi và đánh giá các khuyến cáo cảnh báo sớm đối với hàng hóa có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Mặt khác, doanh nghiệp cần đánh giá quy mô và lợi ích thị trường để đưa ra phương án ứng phó phù hợp. 

Riêng với các trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, Cơ quan điều tra Vương quốc Anh sẽ sử dụng dữ liệu sẵn có để đưa ra kết luận bởi mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp không hợp tác sẽ rất cao, đến mức doanh nghiệp buộc phải từ bỏ thị trường. 

Để ứng phó với một vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp bố trí nguồn lực cần thiết.

Hơn nữa, việc theo sát quá trình điều tra thường kéo dài 1 năm nên cần nguồn nhân lực thường xuyên và phụ trách xuyên suốt. 

Vì thế, việc theo dõi các cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực và tránh những thiệt hại đáng tiếc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục