Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, theo như cáo buộc của Mỹ, có thể là con dao hai lưỡi trong cuộc chiến thương mại ngày một leo thang với Mỹ, bởi lẽ động thái này có thể bù đắp cho các mức thuế bị Mỹ áp đặt nhưng nó cũng có thể gây tổn hại đến những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc.
Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Dịch Cương ngày 5/8 khẳng định nước này không phá giá đồng tiền nhằm cạnh tranh xuất khẩu, Mỹ ngay sau đó đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ khi để đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD.
Ngày 6/8, PboC tuyên bố ngân hàng này kiên quyết phản đối động thái của Mỹ.
Ông Dịch Cương nói rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng hành động phá giá đồng tiền như một công cụ để đối phó với những xáo trộn bên ngoài như bất đồng thương mại và khẳng định ngân hàng này sẽ vẫn duy trì tỷ giá nhân dân tệ ổn định và cân bằng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ để đồng nhân dân tệ xuống giá hơn nữa.
[Trung Quốc phản đối bị Mỹ gọi là nước thao túng tiền tệ]
Nhà kinh tế trưởng Bo Zhuang (Trung Quốc) của TS Lombard nhận định sự sụt giá của đồng nhân dân tệ là kết quả của việc Trung Quốc chủ động can thiệp vào thị trường sau lời đe dọa áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump và rõ ràng, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng để đồng tiền yếu hơn khi đối mặt với căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.
Ông dự đoán đồng nhân dân tệ có thể giảm giá thêm 3%, xuống mức 7,25 nhân dân tệ/USD trong tháng Tám này và có thể xuyên qua mốc 7,5 nhân dân tệ/USD trong năm 2020 nếu Mỹ đáp trả bằng việc áp mức thuế 25% lên toàn bố hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong khi đó, sự sụt giá mạnh của đồng nhân dân tệ cũng gây rủi ro cho Trung Quốc.
Chuyên gia Stephen Innes tại VM Markets Pte Ltd Singapore không cho rằng PboC sẽ để đồng nhân dân tệ giảm giá quá mạnh bởi điều này có thể gây ra những tác động nghiêm trọng và gây mất ổn định cho nền kinh tế.
Các nhà phân tích khác cũng đồng ý rằng Trung Quốc không muốn điều đó và những lo ngại về dòng vốn chảy ra ngoài mạnh sẽ cản trở PboC cho phép đồng nội tệ biến động quá mạnh.
Cựu quan chức phụ trách chính sách tiền tệ và quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ Mark Sobel, nhận định PboC sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và các công cụ khác vì mục đích này./.