Canh cánh nỗi lo xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch COVID-19

Dù còn 2 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch vải thiều, nhưng tỉnh Bắc Giang đã lên các phương án để sản xuất và tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bắc Giang là vựa vải thiều lớn nhất cả nước, sản lượng vải của địa phương này chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều trên toàn quốc.

Đến thời điểm này, diện tích vải thiều chính vụ đã trổ hoa, trong khi diện tích vải chín sớm đã bắt đầu ra quả. Căn cứ vào tình hình thực tế, vải thiều Bắc Giang năm 2020 được các chuyên gia dự đoán là sẽ được mùa. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích vải sớm là 6.000 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn.

Canh cánh nỗi lo xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch COVID-19 ảnh 1Vùng vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang

Cơ hội vào các thị trường khó tính

Huyện Lục Ngạn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Giang được coi là thủ phủ của trái vải thiều. Những ngày này, khi vải trổ lên những trùm hoa rực rỡ, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những “nụ cười được mùa” của người nông dân.

Gia đình anh Trịnh Đình Hãnh nằm trong hợp tác xã Bình Hãnh ở xã Nam Dương có khoảng 4 ha vải thiều với hàng trăm gốc vải. Anh Hãnh tự tin, năm nay mỗi gốc có thể cho thu hoạch tới trên dưới 1 tạ vải thiều. Điều khiến anh cũng như những người trong cùng hợp tác xã phấn khởi là toàn bộ 15 ha vải của hợp tác xã năm nay đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và đã được bao tiêu với mức giá cao hơn nhiều so với mọi năm.

“Để vải đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tốn rất nhiều công sức. Từ cách thức canh tác tới các loại phân bón, thuốc trừ sâu hay thời gian lúc nào bón phân, lúc nào phun thuốc đều phải tuân thủ chặt chẽ theo những yêu cầu khắt khe của phía Nhật Bản. Vất vả một chút, nhưng kết quả là 20 năm trồng vải đến nay tôi mới thấy một vụ vải đẹp như thế này.” Anh Hãnh phấn khởi.

Canh cánh nỗi lo xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch COVID-19 ảnh 2Anh Trịnh Văn Hãnh cùng bà con trong hợp tác xã chăm sóc vườn vải xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (huyện Lục Ngạn) và xã Phúc Hòa (huyện Tân Yên).

Cùng với việc rà soát, cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn, đúng tiêu chuẩn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép, ghi nhật ký sản xuất… đồng thời mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Sau nhiều năm nỗ lực sản xuất vải thiều theo hướng an toàn sinh học, đến nay, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha (chiếm 53% tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh) với sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Bên cạnh đó, vải thiều đạt chứng nhận GlobalGAP khoảng 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.

Chủ động ứng phó với đại dịch

Với sản lượng được ước tính lớn, cùng với chất lượng được nâng cao, năm 2020 hứa hẹn là một năm trái vải Bắc Giang có thể vươn ra “biển lớn”. Ngoài thị trường trong nước và thị trường truyền thống Trung Quốc, Tỉnh Bắc Giang kỳ vọng năm nay trái vải thiều có thể chinh phục các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, EU…

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng toàn cầu, trái vải Bắc Giang đứng trước nguy cơ khó “trở mình”. Chính vì vậy mà địa phương đã chuẩn bị cho những bước đi thận trọng.

Là địa phương có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất toàn tỉnh, dù còn gần 2 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch chính nhưng huyện Lục Ngạn vẫn xác định sẽ sản xuất và tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh có dịch COVID-19.

Theo ông Cao Văn Hoàn-Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, nếu dịch bệnh diễn biến ở mức độ vẫn có thể giao thương và xuất khẩu, huyện sẽ kiến nghị lên các cấp cho phép khoảng 400 thương nhân người nước ngoài sang cách ly 14 ngày trước thời vụ thu hoạch chính. Khi các thương nhân này đảm bảo tình trạng sức khỏe mới cho phép họ thu mua vải thiều. Mặt khác, các chương trình xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài sẽ được tiến hành trực tuyến.

Ngoài ra, các điểm thu mua vải sẽ thường xuyên áp dụng các phương án phòng chống dịch như: Người tham gia thu mua vải phải đeo khẩu trang, tại các điểm thu mua phải có nước rửa tay…

Canh cánh nỗi lo xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch COVID-19 ảnh 3Ông Cao Văn Hoàn - Phó Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng hóa không thể giao thương qua biên giới, ông Hoàn đánh giá trường hợp này tỷ lệ xảy ra là không cao. Tuy nhiên, phía huyện cũng có những chuẩn bị nhất định.

“Giải pháp tiên quyết là phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước đồng thời chúng tôi sẽ tăng cường các kho lạnh có thể bảo quản quả vải tối thiểu một tháng. Sấy khô vải cũng là một phương án. Theo chúng tôi tính toán, một lò sấy vải xây dựng mất 3 ngày, nên nếu trường hợp xấu xảy ra chúng ta có thể chủ động,” ông Cao Văn Hoàn cho biết.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 26/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay tỉnh đã chuẩn bị 3 kịch bản để sẵn sàng ứng phó.

“Kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu được sang cả thị trường truyền thống lẫn thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid 19 tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm.”

Ông Thái khẳng định: Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.

Sau khi khảo sát một số mô hình vải thiều và lắng nghe ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng vụ vải năm nay, dịch COVID-19 sẽ gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.

Canh cánh nỗi lo xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch COVID-19 ảnh 4Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khảo sát vùng vải thiều xuất khẩu tại huyện Tân Yên

Đánh giá cao về cơ cấu mùa vụ vải của Bắc Giang với 30% diện tích vải vụ sớm cùng với 3 kịch bản cho sản xuất, xuất khẩu, tuy nhiên lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các biện pháp nhằm đảm bảo năm nay tiếp tục có vụ vải “được mùa, được giá.”

Đối với thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị lãnh đạo tỉnh cũng cần tìm hiểu kỹ các hoạt động thông quan tại các cửa khẩu, theo phương châm xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp làm việc với phía Trung Quốc để tạo điều kiện tốt nhất cho các mặt hàng nông sản tươi được ưu tiên qua trước. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang cũng phải lường trước những khó khăn bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 và tranh thủ tối đa thị trường trong nước để đảm bảo đầu ra cho vải thiều./. 

Diện tích vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục