Cảnh sát Tây Ban Nha khám xét trụ sở chính quyền vùng Catalonia

Truyền thông Tây Ban Nha cho biết cảnh sát đang tìm kiếm bằng chứng của việc chính quyền cũ ở Catalonia dùng công quỹ tài trợ cho cuộc trưng cầu ý dân trái phép hồi năm ngoái.
Cảnh sát Tây Ban Nha khám xét trụ sở chính quyền vùng Catalonia ảnh 1Cảnh sát Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ cuộc điều tra về việc chính quyền vùng tự trị Catalonia tổ chức trưng cầu ý dân trái phép hồi tháng 10/2017, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành khám xét trụ sở chính quyền vùng này tại thủ phủ Barcelona​.

Truyền thông Tây Ban Nha cho biết cảnh sát đang tìm kiếm bằng chứng của việc chính quyền cũ ở Catalonia dùng công quỹ tài trợ cho cuộc trưng cầu ý dân trái phép hồi năm ngoái.

Người phát ngôn Lực lượng cảnh sát bán quân sự cho biết cuộc lục soát nhằm vào "văn phòng hỗ trợ công dân" và các văn phòng của nhóm ly khai Omnium Cultural.

Người đứng đầu nhóm này đang bị giam giữ từ năm 2017 để phục vụ công tác điều tra vai trò của nhân vật này trong âm mưu đòi tách vùng Catalonia khỏi Tây Ban Nha.

[Tây Ban Nha yêu cầu truy nã toàn cầu cựu giới chức vùng Catalonia]

Trong cuộc khám xét, cảnh sát đã bắt giữ người đứng đầu văn phòng hỗ trợ công dân Antoni Molons. Nhà riêng của ông này cũng sẽ bị lục soát.

Cơ quan lập pháp vùng Catalonia đã bị Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy giải tán sau khi cơ quan này đơn phương tuyên bố độc lập vào ngày 27/10/2017.

Kể từ đó, vùng có 7,5 triệu dân này đã phải nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương ở Madrid.

Cựu Thủ hiến vùng này Carles Puigdemont hiện đang sống lưu vong tại Bỉ nhằm tránh lệnh truy nã.

Cơ quan công tố Tây Ban Nha dự định yêu cầu phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Puigdemont và 4 cựu thành viên trong chính quyền vùng này vì tội “nổi loạn và xúi giục nổi loạn.”

Những người hiện đang lưu vong ở Bỉ này cũng phải đối mặt với những cáo buộc như “lạm dụng công quỹ,” trong khi ông Puigdemont còn bị buộc tội “chống đối” chính quyền.

Nếu bị kết tội “nổi loạn và xúi giục nổi loạn,” ông Puigdemont và những người liên quan có thể nhận án 30 năm tù giam.

Trong một diễn biến liên quan, ông Puigdemont cho biết đa số người dân Catalonia có thể chấp nhận là một phần của hệ thống liên bang kiểu Thụy Sĩ tại Tây Ban Nha. Động thái này được xem là đã giảm bớt so với yêu sách tách ra độc lập hoàn toàn.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước RTS của Thụy Sĩ ngày 14/3 trong một chuyến thăm nước này, ông Puigdemont cho biết: "Nếu Tây Ban Nha đề xuất một mô hình kiểu Thụy Sĩ, tôi nghĩ đây sẽ là một ý tưởng nên theo và có thể thuyết phục được đa số người dân Catalonia."

Thụy Sĩ là một nước liên bang gồm nhiều tỉnh hoặc bang nhỏ được hưởng các quyền tự trị khá lớn hoặc độc lập.

Trước đó, ông Puigdemont từng đề cử ông Jordi Sanchez làm ứng cử viên thay thế mình lãnh đạo vùng Catalonia. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên, ông Puigdemont vẫn khẳng định mình là "thủ hiến hợp pháp" vì đã được cơ quan lập pháp vùng này bầu ra.

Theo kết quả một cuộc thăm dò được công bố hồi đầu tháng này, số người dân Catalonia ủng hộ độc lập tách khỏi Tây Ban Nha đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục