Mặc dù xuất khẩu tới gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng theo Bộ Công Thương, thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng cuối cùng biết đến.
Do vậy, việc làm thế nào để nâng cao giá trị cho hạt gạo hướng tới xuất khẩu bền vững là một trong những nội dung được các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đưa ra thảo luận tại Hội nghị quốc tế về gạo do Bộ Công Thương tổ chức từ 10/10 đến 12/10, tại Hà Nội.
Liên quan đến lĩnh vực này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số chia sẻ với phóng viên ở góc độ chuyên ngành.
[Xuất khẩu gạo: Loay hoay xây dựng niềm tin trong lòng khách hàng]
- Xin ông chia sẻ những kết quả xuất khẩu mà ngành lúa gạo của Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Trần Thanh Hải: Gạo là một trong những mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là trong nhóm nông lâm thủy sản. Trong những năm vừa qua, Việt Nam cũng thường xuyên giữ vị trí hàng đầu trong các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Năm 2017, cả nước đã xuất khẩu được gần 5 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,5 tỷ USD. Hiện nay, dù nhiều quốc gia tham gia xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam đã chiếm đến 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Đồng thời, thị trường của hạt gạo Việt cũng mở rộng rất nhiều, nếu trước đây chỉ xuất khẩu được đến vài chục nước thì nay đã lên đến gần 160 quốc gia khác nhau.
Một thành tựu khác cũng phải kể đến thời gian qua, các chính sách về xuất khẩu gạo đi vào thực tế đã có tác động giúp cho việc kinh doanh xuất khẩu gạo đi vào nề nếp, tập trung, bài bản và hệ thống. Hoạt động xuất khẩu gạo cũng góp phần ổn định kinh tế xã hội, đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân. Là sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống bà con nông dân nên khi đầu ra cho hạt gạo được bảo đảm cũng sẽ góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân.
- Vậy theo ông, những rào cản nào có thể tác động đến xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua?
Ông Trần Thanh Hải: Gạo là mặt hàng liên quan đến cuộc sống người dân nên các quốc gia nhập khẩu cũng có nhiều giải pháp quản lý. Đơn cử, Trung Quốc hiện nay là thị trường lớn nhất cho hạt gạo Việt Nam, đã duy trì một chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Điều đó đã hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.
Xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta phải cạnh tranh khốc liệt hơn để đưa được hạt gạo Việt vào thị trường.
Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, điều này cũng là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phải cọ sát, nâng cao sức cạnh tranh so với doanh nghiệp các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar…
Chỉ có thể cạnh tranh bình đẳng như vậy chúng ta mới có được hoạt động xuất khẩu mang tầm quốc tế khi không chỉ dựa vào số lượng hoặc chỉ xuất khẩu gạo cấp thấp mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và tính chuyên nghiệp trong xuất khẩu.
[Gạo Việt Nam cần xây dựng chỉ dẫn địa lý để nâng giá trị]
- Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 và Hội nghị quốc tế gạo Việt Nam 2018 sẽ có ý nghĩa ra sao trong việc xây dựng, quảng bá và nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu gạo Việt Nam?
Ông Trần Thanh Hải: Hội nghị gạo thế giới là sự kiện uy tín với giới kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như các nước nhập khẩu gạo. Đây là lần thứ 10 sự kiện này diễn ra nhưng là lần đầu tiên được đăng cai tổ chức tại Việt Nam.
Sự kiện này quy tụ khoảng 500 - 600 đại biểu là đại diện các quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu gạo, các doanh nghiệp lớn, những người có vai trò quan trọng trong dòng lưu chuyển hạt gạo trên thị trường thế giới.
Chính vì vậy hội nghị tạo ra cơ hội tốt để giúp quảng bá ra thế giới hạt gạo Việt Nam, không chỉ với vai trò nước ta là quốc gia xuất khẩu gạo lớn mà còn ở việc nước ta đang nâng dần phẩm cấp, chất lượng hạt gạo, phương pháp canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xuất khẩu gạo.
Cùng với việc đăng cai tổ chức Hội nghị gạo thế giới, Bộ Công Thương cũng tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam - hội nghị song hành với hội nghị nêu trên để giới thiệu cho bạn bè quốc tế về hạt gạo Việt Nam, qua đó tạo cơ hội kết nối cho doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh từ các đại biểu quốc tế.
- Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường trong 8 tháng:
- Vậy thời gian tới, phía Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững?
Ông Trần Thanh Hải: Mới đây, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP trước đây. Nghị định mới này đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu.
Cụ thể là đối với các doanh nghiệp đầu mối được xuất khẩu gạo, điều kiện để trở thành doanh nghiệp đầu mối được nới lỏng rất rõ. Ví dụ vẫn yêu cầu sở hữu các cơ sở xay xát, kho, nhưng những cơ sở như vậy có thể đi thuê, giúp tiết kiệm nhiều chi phí.
Nghị định 107/CP cũng bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo vì theo các doanh nghiệp, quy định này sẽ khiến doanh nghiệp lộ các bí quyết kinh doanh. Nghị định cho phép với một số loại gạo đặc thù, doanh nghiệp có thể tự do xuất khẩu mà không cần đáp ứng các yêu cầu thông thường. Trong giấy chứng nhận cũng có cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính rất nhiều. Nghị định giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh việc cải cách thông qua văn bản quy phạm pháp luật, việc điều hành xuất khẩu gạo cũng là việc cần thiết. Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó phân giao cho các bộ, ngành, Hiệp hội và các cơ quan liên quan những nhiệm vụ cụ thể. Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trong nghị định này.
Một hoạt động nữa được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai là Xúc tiến thương mại, bao gồm cả tìm kiếm thị trường, tìm kiếm thông tin phục vụ cho hoạt động xuất khẩu gạo.
- Xin cảm ơn ông./.