Theo Thời báo châu Á (Atimes.com) ngày 4/3, Nhật Bản và các nước khác đang nỗ lực để cạnh tranh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, nhưng những nước này dường như đang mất đà.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc trong 5 năm qua đã thống trị các diễn đàn chính trị quốc tế trên khắp khu vực Âu-Á.
BRI - một kế hoạch quy mô hấp dẫn và nhiều tham vọng - đặt mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối và thương mại trên nhiều lục địa với chi phí hàng nghìn tỷ USD.
Cùng với với các dự án liên quan như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), BRI đang chuyển đổi cấu trúc của trật tự khu vực.
[BRI của Trung Quốc - vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với Mỹ?]
Đối với Trung Quốc, mục tiêu của kế hoạch lớn này là rất rõ ràng: phát triển một trật tự khu vực với Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm nhằm chuyển hướng ảnh hưởng ra khỏi Mỹ và các đồng minh của Washington, đồng thời hướng tới Trung Quốc. Do đó, những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là các đồng minh của Mỹ, chứ không riêng gì Nhật Bản.
Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất và mạnh nhất của Mỹ trong khu vực, là nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Mặc dù bị ràng buộc bởi hiến pháp hòa bình, nhưng Tokyo đã đầu tư vào quyền lực mềm thông qua viện trợ nước ngoài và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có lẽ là tổ chức bị AIIB thách thức trực tiếp nhất.
Giờ đây, Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ lại đang phải dõi theo một bá chủ khu vực còn non trẻ, nhưng đang dần mua lại Á-Âu.
Tokyo phản ứng với một Trung Quốc đang phát triển bằng cách phát triển giải pháp thay thế của riêng mình để cạnh tranh với BRI.
Mặc dù không có một chương trình đơn nhất, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn tiếp tục nói về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng khi thảo luận về các dự án ở nước ngoài.
Những mục tiêu cho quy mô lớn như vậy là những phần tương tự của khu vực châu Á và châu Phi, vốn cũng là trọng tâm của đầu tư Trung Quốc.
Hồi tháng 10/2019, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận về cơ sở hạ tầng giữa châu Âu và châu Á.
Các mục tiêu tương tự như BRI, bao gồm tăng cường kết nối bằng cách đầu tư vào các nước thứ ba ở Đông Âu, châu Á và châu Phi.
Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, dựa trên các quy tắc nhằm tạo ra sự cởi mở và minh bạch.
Cùng với đó, Tokyo cũng đã tìm kiếm các đối tác khác ngoài châu Âu để đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng. Tháng 11/ 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố khái niệm Hành lang Tăng trưởng Á-Phi (AAGC).
Bên cạnh sự chồng chéo rõ ràng về địa lý, AAGC cũng có các mục tiêu rất giống với Quan hệ đối tác EU-Nhật Bản về kết nối bền vững và cơ sở hạ tầng chất lượng, bao gồm cơ sở hạ tầng chất lượng, trao đổi giữa người dân và phát triển bền vững.
Những nguyên tắc này, rất phù hợp với sự nhấn mạnh lịch sử của Tokyo về sức mạnh mềm, phản ánh vai trò quan trọng của Nhật Bản trong việc thúc đẩy những sáng kiến liên quan với các đối tác.
Tuy nhiên, rắc rối với cả hai sáng kiến là việc thiếu “hỏa lực”
Thỏa thuận EU-Nhật Bản được hỗ trợ bởi một quỹ trị giá 60 tỷ euro (67 tỷ USD) - một khoản tiền không đáng kể và hoàn toàn bị lấn át bởi hàng trăm tỷ USD mà Bắc Kinh đã đổ vào BRI.
AAGC, trong khi đó, vẫn không có gì ngoài một khái niệm. Không có quỹ đã được phân bổ và không có dự án phác thảo. Ba năm kể từ thông báo của Thủ tướng Abe, kết quả của AAGC vẫn là một “con voi trắng.”
Có lẽ nhận thức được những hạn chế của các chương trình này, Chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản đã theo đuổi những dự án riêng của họ như là một sự phản công hơn nữa đối với BRI.
Vào tháng 5/2019, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký thỏa thuận chung để phát triển một cảng container tại cảng Colombo của Sri Lanka. Sri Lanka, là nước đã tiếp nhận một trong những dự án ở nước ngoài lớn của Trung Quốc - dự án xây dựng cảng Hambantota.
Tuy nhiên, dự án này cuối cùng đã được giao cho một công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm vì Sri Lanka không thể trả nợ cho Bắc Kinh.
Các báo cáo cũng xuất hiện vào tháng 4/ 2019 rằng Ấn Độ và Nhật Bản sẽ phát triển một bệnh viện ở Kenya - một dự án được thiết kế rõ ràng để mở rộng sức mạnh mềm của họ ở châu lục mà Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính và nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu (sau các quốc gia châu Âu).
Trong khi đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Abe đã cam kết đầu tư 20 tỷ USD trong ba năm cho châu Phi.
Những nỗ lực này vẫn còn mờ nhạt so với đầu tư của Trung Quốc tại Trung Đông và Châu Phi, cũng như quy mô tuyệt đối của BRI.
Giữa năm 2013 (khi BRI lần đầu tiên được công bố) và năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư 11 tỷ USD vào khu vực Trung Đông và Bắc Phi với các dự án liên quan cụ thể đến BRI. Hơn 30 tỷ USD đã được đổ vào khu vực châu Phi Hạ Sahara.
Trong khi đó, Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 5,5 tỷ USD vào Trung Đông và 5 tỷ USD vào châu Phi trong cùng thời gian, theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, chưa đến 1/4 khoản đầu tư BRI của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bản thân BRI cũng là một dự án gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, đầu tư của BRI giảm một nửa so với năm trước và thiếu đi sự gắn kết đến mức có vẻ như vô lý.
Làm thế nào để mô tả việc đưa Nam Mỹ vào một dự án nhằm tạo thuận lợi cho thương mại trên khắp khu vực Âu-Á?
Dù vậy, bất chấp những thách thức này, BRI vẫn làm lu mờ tất cả các đối thủ trong khu vực và ảnh hưởng đến việc cân nhắc khi các khu vực như Trung Đông và châu Phi đang xem xét các đối tác đầu tư.
Quốc gia duy nhất có thể thực sự cạnh tranh với Trung Quốc là Mỹ nay đã chọn cách xa cách với các đối thủ đầu tư trong khu vực này.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố vào tháng 7/2018 - chỉ cung cấp 113 triệu USD cho các dự án đầu tư mới trên toàn khu vực.
Với việc người Mỹ đứng ngoài cuộc chơi, các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản để cố gắng và theo kịp Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Và dù cố gắng hết sức có thể, song những nỗ lực của họ sẽ vẫn tiếp tục bị Bắc Kinh làm lu mờ./.