Cạnh tranh Mỹ-Trung và vấn đề tự do thương mại toàn cầu

Vấn đề đặt ra là đàm phán thương mại Mỹ-Trung, dù dang dở hay đạt được thỏa thuận chung, sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế đang phát triển như thế nào?
Cạnh tranh Mỹ-Trung và vấn đề tự do thương mại toàn cầu ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Thương mại tự do toàn cầu là một trong những nguồn lực của sự thịnh vượng thế giới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kể từ năm 1990, nhờ thương mại tự do hơn, giá cả hàng hóa tại các nền kinh tế mới nổi đã giảm 60%.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng và méo mó của thương mại toàn cầu cũng đang bị chỉ trích nặng nề. Do đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay.

Vấn đề đặt ra là đàm phán thương mại Mỹ-Trung, dù dang dở hay đạt được thỏa thuận chung, sẽ ảnh hưởng tới Nam Phi và các nền kinh tế đang phát triển như thế nào?

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 9/4 đã có bài phân tích về vấn đề này như sau:

Cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một “kế hoạch nền tảng của mọi thỏa thuận thương mại” với Trung Quốc trùng hợp với việc IMF công bố nghiên cứu liên quan đến vai trò của hội nhập thương mại đối với thúc đẩy đầu tư - huyết mạch của tăng trưởng kinh tế - trong 3 thập kỷ qua.

Nghiên cứu của IMF cho thấy từ năm 1990, ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí tương đối của máy móc và thiết bị đã giảm 40%, còn chi phi tương ứng của các nền kinh tế mới nổi giảm sâu hơn, ở mức 60%.

Phân tích hơn 30 lĩnh vực của 40 nền kinh tế, IMF khẳng định thương mại hội nhập là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của giá hàng hóa vốn trong giai đoạn này.

Tiến sỹ kinh tế Natalija Novta của Cơ quan Nghiên cứu IMF đánh giá: “Kết quả nghiên cứu của IMF cho thấy chúng ta thường bỏ qua hội nhập thương mại như một động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu, bởi chính hội nhập thương mại làm giảm giá hàng hóa vốn, khuyến khích đầu tư thực sự.

[Một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể chỉ để 'ngừng bắn']

Mô hình mô phỏng cho thấy sự giảm giá đầu tư tương đối do cắt giảm thuế của hàng hóa vốn hoặc tăng hiệu quả sản xuất hàng hóa vốn, dẫn đến mức tăng bền vững, đáng kể của lãi suất đầu tư thực tế."

Vì vậy, trong bối cảnh nhiều siêu cường không còn say mê với toàn cầu hóa, nghiên cứu của IMF khẳng định chính sách thương mại phù hợp sẽ là nền tảng trong hoạch định chính sách của bất kỳ chính phủ nào mong muốn cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu này càng cho thấy tầm quan trọng của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện nay.

Kết quả dù tốt, chưa như kỳ vọng hay tồi tệ, đều sẽ tạo dòng chảy chính của thương mại thế giới vốn đang vật lộn để tìm ra biện pháp đối phó với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, chủ nghĩa dân túy, cũng như thực tế là sự thiếu hụt công cụ chính sách tài chính và tiền tệ để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững trở lại.

Tuần trước, thị trường tài chính phản ứng tích cực với cam kết của Tổng thống Trump, nhưng chúng ta tiếp tục phải quan sát động thái của người đứng đầu nước Mỹ và chi tiết thỏa thuận Mỹ-Trung có thể đạt được trong 4 hoặc 6 tuần tiếp theo.

Về phía Trung Quốc, mặc dù các biện pháp kích thích kinh tế đã mang lại kết quả ban đầu, song sự hồi phục kinh tế tạm thời của cường quốc kinh tế này sẽ không thể chịu đựng thêm các cuộc đàm phán thương mại thất bại và chế độ thuế quan cứng rắn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump với những bước đi táo bạo và bất ngờ đã nhiều lần làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong quá khứ, vì vậy, không có gì đảm bảo về kết quả đàm phán Mỹ-Trung trong tương lai cho đến khi chúng ta tận mắt chứng kiến thỏa thuận bằng văn bản giữa hai nước.

Đối với các thị trường mới nổi, lợi ích tối ưu mà các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể mang lại là môi trường thương mại thân thiện với đầu tư.

Phân tích của IMF cho thấy trong 3 thập kỷ qua, đối với nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trung bình, 1/3 mức đầu tư quốc gia vào máy móc và thiết bị khiến giá hàng hóa vốn tương đối rẻ hơn.

Nguyên nhân khác góp phần làm vốn hàng hóa giảm là do môi trường kinh tế vĩ mô tích cực.

Theo Tiến sỹ Novta, đối với tất cả các nền kinh tế, việc tránh các biện pháp bảo hộ và khôi phục tự do hóa thương mại sẽ giúp duy trì tốc độ giảm giá hàng hóa tương đối, tạo ra lực đẩy đối với tăng trưởng đầu tư hiện đang mờ nhạt ở các nền kinh tế tiên tiến và hỗ trợ tăng vốn hiện rất cần thiết đối với các nước đang phát triển.

Tiếc thay, Nam Phi đang vướng vào các vụ bê bối tham nhũng, thách thức quản trị ở các doanh nghiệp nhà nước (SOE), cũng như sự thiếu quyết liệt trong đầu tư của khu vực tư nhân, nên chưa tận dụng được toàn bộ lợi thế của sự sụt giảm thực tế về giá hàng hóa vốn này.

Từ năm 2013, tích lũy tài sản cố định gộp (GFCF) thực tế của Nam Phi chưa mang tính ổn định và bị giảm 1,4% vào năm 2018.

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (ngân hàng trung ương) cho rằng các yếu tố kìm hãm vốn đầu tư gồm niềm tin kinh doanh thấp, sự không chắc chắn trong quy định của ngành khai khoáng, đặc biệt tình trạng gián đoạn trong cung cấp điện khiến tăng trưởng chậm lại và gây quan ngại về tính bền vững tài khóa.

Các xu hướng đầu tư vào khu vực tư nhân của Nam Phi (hiện đóng góp khoảng 70% tích lũy tài sản cố định gộp - GFCF của nước này) đang ở trong tình trạng báo động hơn bởi khu vực tư nhân chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong 7 trên tổng số 16 quý gần đây nhất.

Nếu tình trạng hiện tại của Nam Phi không có bước chuyển biến tích cực đáng kể, sự không mặn mà trong đầu tư vào vốn và thiết bị sẽ tiếp tục làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách có thể thấy trước tương lai thất bại bởi sự khan hiếm nguồn kết hợp với sự phân bổ không đồng đều nguồn lực và số lượng dân số ngày một tăng.

Không chỉ riêng Nam Phi, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp nhất trong 2 năm gần đây và tình trạng thậm chí còn xấu hơn nếu không có các chi phí đối phó với thảm họa của Ấn Độ và Nhật Bản.

Trừ khi có sự thay đổi mạnh mẽ trong môi trường thương mại, các dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu bi quan trong 2 năm tới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - 2,6% năm 2019 và 3% vào năm 2020 - sẽ thành hiện thực và khối lượng thương mại thế giới sẽ tiếp tục sụt giảm.

Mặc dù thương mại tự do thông qua toàn cầu hóa chưa đóng góp ở mức như kỳ vọng đối với phân phối lợi ích thương mại một cách rộng rãi và giảm bất bình đẳng toàn cầu, nhưng những phát hiện của IMF khẳng định rằng việc quá chú trọng chủ nghĩa bảo hộ và thu hẹp lợi ích thương mại vào phạm vi biên giới quốc gia có thể sẽ khiến thế giới ngày càng trở nên bấp bênh hơn.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại và biệt lập cũng đặt toàn bộ trách nhiệm nặng nề lên chính sách tài chính và tiền tệ trong việc đưa nền kinh tế thế giới trở lại đúng hướng và trong điều kiện lý tưởng là phát triển bền vững, nếu có bất kỳ cơ hội nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục