Cặp vợ chồng vận động viên ném lao và chuyện “cơm áo gạo tiền”

Với cặp vận động viên khuyết tật Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải, để theo đuổi sự nghiệp và lo toan cho cuộc sống, họ phải vượt qua rất nhiều thử thách.
Cặp vợ chồng vận động viên ném lao và chuyện “cơm áo gạo tiền” ảnh 1Vận động viên Cao Ngọc Hùng nhận Huy chương Vàng nội dung ném lao hạng F57. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Có thể nói, đối với hầu hết các vận động viên khuyết tật, việc làm thế nào để vừa chu toàn cuộc sống gia đình mà vẫn có thể theo đuổi sự nghiệp là một vấn đề rất lớn.

Với những gia đình chỉ có một người, hoặc vợ hoặc chồng, là vận động viên khuyết tật, điều này đã không hề dễ dàng. Còn đối với những gia đình mà cả vợ và chồng đều tham gia thi đấu, như gia đình cặp vận động viên môn ném lao Cao Ngọc Hùng và Nguyễn Thị Hải (Thành phố Hồ Chí Minh), những khó khăn mà họ phải đối mặt còn lớn hơn rất nhiều.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN khi đang tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật (ASEAN Para Games) 2017 tại Malaysia, cặp vợ chồng trẻ cho biết để có thể cùng theo đuổi sự nghiệp và lo toan cho cuộc sống gia đình, họ đã phải vượt qua rất nhiều thử thách.

[Đoàn Việt Nam thiết lập nhiều kỷ lục mới ở ASEAN Para Games]

Anh Hùng và chị Hải quen nhau từ năm 2005 khi cùng tập luyện trong đội thể thao khuyết tật Việt Nam, nội dung ném lao, ném đĩa và đẩy tạ, cùng ở hạng thương tật F57. Sau 8 năm quen biết, chị Hải mới nhận lời tỏ tình của anh Hùng.

Trong sâu thẳm, cô gái quê ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã đấu tranh rất nhiều với bản thân. Chị lo cho cuộc sống gia đình sau này, cho con cái khi mà cả hai anh chị đều bị bại liệt từ nhỏ.

Đến khi anh chị có con (2 cháu, hiện 3 và 2 tuổi), cũng như nhiều gia đình trẻ khác, họ đã phải cố gắng rất nhiều.

Anh Hùng, sinh năm 1990, quê ở Quảng Bình, bố mẹ mất sớm khi anh mới đôi mươi. Còn chị, gia đình họ hàng đều ở Nghệ An, quá xa nơi anh chị đang sinh sống tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế mà hầu như mọi việc đều do anh chị tự xoay sở.

Những lúc anh Hùng luyện tập và đi thi đấu xa nhà, mọi việc mình chị Hải lo liệu. Đó quả là những quãng thời gian khó khăn đối với gia đình nhỏ này.

Khi được hỏi: “Ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước và tiền được thưởng khi giành huy chương ở mỗi giải đấu, anh chị sống bằng gì?”, chị Hải đã thoáng chút im lặng trước khi chia sẻ đây là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

Theo chị, với rất nhiều vận động viên khuyết tật như vợ chồng chị, tiền thưởng từ huy chương sẽ được dùng để trang trải cho cuộc sống và cho việc luyện tập trong suốt thời gian còn lại trong năm, lúc không có giải đấu.

Vì vậy, nếu thi đấu mà không giành được huy chương nào, đó sẽ là một “nỗi buồn nhân đôi” khi không thể góp sức mang vinh quang về cho Tổ quốc, đồng thời không có được thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Bà mẹ trẻ vừa giành được 2 Huy chương Vàng nội dung ném đĩa và ném lao cho biết thêm trong làng vận động viên khuyết tật Việt Nam, có rất nhiều anh chị em còn khó khăn hơn hơn nhiều so với vợ chồng chị, họ còn bị khuyết tật nặng hơn.

Tại giải lần này, nhiều người còn không giành được huy chương nào, và điều đó cũng có nghĩa là đời sống của họ sẽ gặp khó khăn trong quãng thời gian sắp tới, trước khi có giải đấu tiếp khác.

Anh Hùng, người cũng vừa cũng giành được Huy chương Vàng ở nội dung ném lao trong ngày 19/9, khoe rằng những tấm huy chương vàng Para Games lần này của anh chị là quà tặng mừng sinh nhật cho cậu con trai sẽ tròn 2 tuổi trong tháng 10 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục