Sáng 21/9, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Rio 2016 (Brazil), đã về đến Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) trong sự đón chào nồng nhiệt của người hâm mộ.
Đón đoàn có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, bạn bè, người thân của các vận động viên và đông đảo người hâm mộ; cùng với đó là nhiều nhà tài trợ đã đến tận sân bay để trao những món quà cho đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sau một kỳ Paralympic thành công rực rỡ.
Trong “vòng vây” của người hâm mộ, lực sỹ Lê Văn Công, người giành chiếc huy chương vàng lịch sử cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Rio 2016 chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì hôm nay được nhiều người đón chào như thế này. Tôi cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Về tấm huy chương vàng Paralympic, tôi rất tự tin hoàn thành bài thi của mình dù thất bại ở lần cử thứ 2”.
Cùng chung cảm xúc đó, huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc, người thầy của lực sỹ Lê Văn Công cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua được thời khắc khó khăn nhất để có được thành công, mang vinh quang về cho nước nhà. Chúng tôi rất xúc động trước tình cảm mà người hâm mộ dành cho đoàn ngày hôm nay.”
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Rio 2016 tại Brazil với 22 thành viên, trong đó có 11 vận động viên, 1 vận động viên dẫn đường, 3 huấn luyện viên cùng các cán bộ, bác sỹ, phiên dịch.
Các vận động viên tham gia thi đấu ở 3 môn gồm điền kinh, bơi lội và cử tạ. Kết quả, đoàn Việt Nam giành được 1 huy chương vàng môn cử tạ của lực sỹ Lê Văn Công, 1 huy chương bạc môn bơi của kình ngư Võ Thanh Tùng cùng 2 huy chương đồng của vận động viên Cao Ngọc Hùng (ném lao) và Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ).
Đây là kỳ Paralympic thành công nhất trong lịch sử, khi lần đầu tiên đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam giành được huy chương tại đấu trường lớn nhất này.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Rio 2016, chia sẻ: “Thành công này có được là nhờ sự đóng góp của toàn xã hội. Trong 162 quốc gia tham dự Paralympic, chỉ hơn 60 quốc gia có huy chương, nên thắng lợi này có ý nghĩa rất lớn. Thành quả này là động lực cho hơn 7 triệu người khuyết tật Việt Nam phấn đấu, giúp họ tạo niềm tin mới để đóng góp cho sự phát triển của xã hội.”
Ông Phạm Văn Tuấn cho rằng phải đánh giá đầy đủ, không được vừa lòng với thành tích này, phải đầu tư tốt hơn trong tương lai, không chỉ đơn giản là trong tập luyện.
Với 7 triệu người khuyết tật, Việt Nam sẽ tuyển chọn, sàng lọc nhiều tài năng hơn nữa, đầu tư đầy đủ hơn từ chế độ ăn uống, lương thưởng, cơ sở vật chất đến ứng dụng khoa học công nghệ để đạt thành tích ngay từ bây giờ, hướng tới Paralympic 2020./.