Ngày 5/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi bên lề cuộc họp tổng kết niên vụ càphê 2010-2011 và phương hướng niên vụ mới, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội càphê cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết, hiện các địa phương đang bắt đầu bước vào niên vụ mới, nhưng một số tổ chức càphê nước ngoài đã đưa dự báo càphê Việt Nam được mùa, sản lượng tăng mạnh… là không chính xác và tác động xấu đến giá càphê trong nước.
Theo ông Tự, để đưa ra con số sản lượng chính thức phải đợi tới khi càphê thu hoạch rộ.
Theo thông tin từ các địa phương, thời gian gần đây do trời mưa nhiều, việc chăm sóc có phần hạn chế nên hiện tượng càphê rụng quả diễn ra trên diện rộng tại Tây Nguyên. Riêng tại tỉnh Đăk Nông, có tới gần 11,7ha càphê rụng quả trong tổng số gần 76.000ha càphê của địa phương, trong khi đó càphê ở các tỉnh khác cũng có phần lớn diện tích rụng quả.
Vicofa cũng lo ngại tình hình bão lũ từ nay đến cuối năm sẽ khiến tình trạng rụng quả sớm và việc phơi sấy sẽ gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, giá càphê trong niên vụ vừa qua có xu hướng tăng mạnh khiến càng về cuối vụ, lượng hàng tồn kho ở các doanh nghiệp và trong dân thấp hơn nhiều so với những niên vụ trước, nguồn cung trong nước có thể khan hiếm vào cuối năm.
Trên cơ sở này, Vicofa đưa ra con số dự báo niên vụ 2011-2012, sản lượng càphê của Việt Nam chỉ ở mức 1,1 triệu tấn (tương đương 18,33 triệu bao), chiếm khoảng 14-15% tổng sản lượng càphê toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, niên vụ 2010-2011, xuất khẩu càphê cả nước đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước. Trước xu hướng giá càphê giảm mạnh vào đầu vụ, 20 doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu Việt Nam đã nhất trí mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn ngay từ đầu vụ, hiện mức doanh nghiệp đăng ký tự nguyện đã lên tới 442.000 tấn.
Cũng trong ngày 5/11, để hỗ trợ các doanh nghiệp càphê trong niên vụ mới, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký thỏa thuận với Vicofa về chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngành hàng càphê. Theo đó, Agribank sẽ dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến… càphê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi./.
Theo ông Tự, để đưa ra con số sản lượng chính thức phải đợi tới khi càphê thu hoạch rộ.
Theo thông tin từ các địa phương, thời gian gần đây do trời mưa nhiều, việc chăm sóc có phần hạn chế nên hiện tượng càphê rụng quả diễn ra trên diện rộng tại Tây Nguyên. Riêng tại tỉnh Đăk Nông, có tới gần 11,7ha càphê rụng quả trong tổng số gần 76.000ha càphê của địa phương, trong khi đó càphê ở các tỉnh khác cũng có phần lớn diện tích rụng quả.
Vicofa cũng lo ngại tình hình bão lũ từ nay đến cuối năm sẽ khiến tình trạng rụng quả sớm và việc phơi sấy sẽ gặp khó khăn hơn. Thêm vào đó, giá càphê trong niên vụ vừa qua có xu hướng tăng mạnh khiến càng về cuối vụ, lượng hàng tồn kho ở các doanh nghiệp và trong dân thấp hơn nhiều so với những niên vụ trước, nguồn cung trong nước có thể khan hiếm vào cuối năm.
Trên cơ sở này, Vicofa đưa ra con số dự báo niên vụ 2011-2012, sản lượng càphê của Việt Nam chỉ ở mức 1,1 triệu tấn (tương đương 18,33 triệu bao), chiếm khoảng 14-15% tổng sản lượng càphê toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, niên vụ 2010-2011, xuất khẩu càphê cả nước đạt gần 1,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước. Trước xu hướng giá càphê giảm mạnh vào đầu vụ, 20 doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu Việt Nam đã nhất trí mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn ngay từ đầu vụ, hiện mức doanh nghiệp đăng ký tự nguyện đã lên tới 442.000 tấn.
Cũng trong ngày 5/11, để hỗ trợ các doanh nghiệp càphê trong niên vụ mới, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký thỏa thuận với Vicofa về chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngành hàng càphê. Theo đó, Agribank sẽ dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến… càphê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi./.
Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)