Cắt giảm thuế làm tê liệt nền kinh tế Sri Lanka như thế nào?

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nợ nước ngoài, hậu quả của chính sách giảm thuế năm 2019 và chuyển đổi hoàn toàn sang nông nghiệp hữu cơ năm 2021 là nguyên nhân khiến nền kinh tế Sri Lanka tê liệt.
Cắt giảm thuế làm tê liệt nền kinh tế Sri Lanka như thế nào? ảnh 1Đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối chính phủ trong cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng tổng thống ở Colombo, Sri Lanka, ngày 9/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Soumya Bhowmick với nhận định, các chính sách sai lầm khác nhau là nguyên nhân dẫn cuộc khủng hoảng lớn đang diễn ra ở Sri Lanka.

Trong bối cảnh áp lực gia tăng của đại dịch, nợ nước ngoài, ảnh hưởng của Trung Quốc và xung đột Ukraine-Nga đang diễn ra, hậu quả của chính sách giảm thuế vào năm 2019 và chuyển đổi hoàn toàn sang nông nghiệp hữu cơ vào năm 2021 là thảm khốc đối với nền kinh tế Sri Lankan.

Đại dịch COVID-19 đã làm tăng chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe cũng như chi tiêu của chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội nhằm giảm thiểu đói nghèo và thất nghiệp.

Trong khi các cơ quan ban ngành phải vật lộn để xoay vòng ngân sách đáp ứng những gánh nặng tài chính mới này, Chính phủ Sri Lanka đã công bố cắt giảm thuế.

Để thực hiện những cam kết trong cuộc bầu cử năm 2019, Chính phủ Sri Lanka đã tiến hành giảm thuế sâu rộng chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra.

Thay đổi nổi bật nhất đối với hệ thống thuế là Thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 15% xuống 8%, Thuế xây dựng quốc gia (NBT) 2% đã được bãi bỏ, thuế viễn thông giảm 2,5%.

Một số loại thuế khác đã được loại bỏ bao gồm Phí dịch vụ kinh tế, Thuế ghi nợ đối với các tổ chức tài chính và ngân hàng, VAT đối với tài sản có chủ quyền, Thuế thu nhập vốn trên thị trường cổ phiếu, Thuế dịch vụ tín dụng…

Vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế

Có hai lý do khiến việc cắt giảm thuế trở nên bất lợi cho Sri Lanka. Thứ nhất, đó là một thách thức cực kỳ lớn đối với một nền kinh tế vốn chứng kiến tình trạng trốn thuế tràn lan, nơi thuế trực thu chỉ đóng góp khoảng 2% GDP.

Tỷ lệ thuế trên GDP giảm từ 11,6% GDP xuống thấp nhất là 7,7% GDP vào năm 2021. Trong số các quốc gia ở trong khu vực, Sri Lanka có tỷ lệ thuế trên GDP thấp đáng kể.

Cắt giảm thuế làm tê liệt nền kinh tế Sri Lanka như thế nào? ảnh 2Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ban đầu, việc cắt giảm thuế nhằm giải phóng thu nhập khả dụng và lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế và thúc đẩy các giá trị tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, doanh thu từ thuế thấp hơn cộng với nhu cầu chi tiêu ngân sách gia tăng trong giai đoạn đại dịch đã làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách vốn thường do các khoản nợ nước ngoài “gánh vác.”

Thâm hụt ngân sách đã tăng từ 9,6% GDP năm 2019 lên 12,2% GDP năm 2021. Tỷ lệ nợ trên GDP của chính phủ cũng đã vượt qua mốc 100% GDP, từ 86,9% GDP năm 2019 lên 105,6% GDP năm 2021.

Cần lưu ý rằng mức thâm hụt ngân sách này là chưa từng có trong nền kinh tế Sri Lanka. Thâm hụt ngân sách trung bình vào khoảng 6,2% GDP từ năm 2011 đến năm 2020.

Chính phủ sẽ tài trợ cho những khoản thiếu hụt này từ cả nguồn trong nước và nước ngoài, song các khoản tài trợ này dường như đã cạn kiệt vào cuối năm trước.

Cán cân tài khoản vãng lai của quốc gia cũng bị thâm hụt tương tự với mức thâm hụt tài khoản vãng lai (CAD) trung bình từ năm 2010 đến năm 2019, vào khoảng 1,2% GDP.

[Tổng thống Sri Lanka đề xuất kế hoạch giải quyết khủng hoảng kinh tế]

Tài khoản vãng lai và ngân ngân sách hầu như di chuyển cùng nhau kể từ năm 1970, làm nổi bật nguy cơ “thâm hụt kép" trong nền kinh tế Sri Lanka.

Điều này đặt ra một vấn đề kinh tế vĩ mô lớn vì đây là một chỉ số cho thấy sự phụ thuộc của quốc gia vào các khoản nợ nước ngoài để vượt qua thời kỳ khó khăn hàng năm. Điều kiện tài chính yếu khiến quốc gia này rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc ngoại sinh như đại dịch.

Cải cách toàn diện hệ thống thuế

Khi ông Ranil Wickremesinghe nhậm chức Thủ tướng vào tháng 5/2022, Nội các Sri Lanka đã cố gắng thực hiện các biện pháp để ổn định nền kinh tế. Văn phòng Thủ tướng tuyên bố, biện pháp cắt giảm thuế năm 2019 và 2020 khiến ngân sách công “thất thu” khoảng 800 triệu Sri Lanka rupee (SLR) - khoảng 2,22 triệu USD.

Một cuộc cải cách toàn diện hệ thống thuế đã được công bố trong bối cảnh lạm phát chạm mức 39,1% vào tháng 5/2022. Một số loại thuế đã được tăng lên và các khoản cứu trợ dành cho những người nộp thuế cá nhân đã được truy thu.

VAT tăng lên 12%, chỉ riêng mức tăng này có thể giúp ngân sách chính phủ tăng thêm 650 tỷ SLR (180,56 triệu USD).

Cắt giảm thuế làm tê liệt nền kinh tế Sri Lanka như thế nào? ảnh 3Người dân vận chuyển thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 12/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kế hoạch ngân sách tạm thời cũng đang được thảo luận, khi ông Ranil Wickremesinghe tuyên bố rằng chi tiêu sẽ bị cắt giảm mạnh mẽ, với các quỹ nhà nước ưu tiên một chương trình phục hồi kéo dài hai năm.

Tuy nhiên, trong dự luật sửa đổi, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức chi tiêu ngân sách ước tính từ 3.600 SLR (9,996 tỷ USD) lên 4.600 tỷ SLR (12,775 tỷ USD).

Ngân sách sẽ tập trung ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn. Bộ Tài chính cũng đã đề xuất phân bổ các khoản ưu đãi trị giá 200 tỷ SLR (555 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp và các đơn vị khu vực vừa và nhỏ khi cần cứu trợ rất nhiều.

Trong khi các mức thuế mới có thể mang lại nguồn vốn cần thiết cho chính phủ, quốc gia này cần được hỗ trợ thêm để nền kinh tế có thể phục hồi. Chính phủ cần hợp lý hóa chi tiêu ngân sách, bằng cách duy trì sự cân bằng giữa việc tối đa hóa nguồn thu và tạo ra cơ hội việc làm.

Và cuối cùng, tái cơ cấu kinh tế vĩ mô cần mang tính bao trùm bởi các nghiên cứu đã chỉ ra tác động kinh tế của đại dịch đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ và các tầng lớp nghèo khó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục