Triển lãm “Mặt” giới thiệu tới công chúng 28 chiếc mặt nạ giấy bồi do các nghệ sỹ thuộc nhóm họa sỹ Gallery 39 Hà Nội sáng tạo nên.
Chương trình đã chính thức khai mạc sáng nay (19/9) và sẽ kéo dài trong ba tuần tại không gian LaCa Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).
“Hoạt động này không đơn thuần là một dịp trưng bày những tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự kết nối hiện tại với quá khứ, nghệ thuật với đời sống cộng đồng; là sự sẻ chia với những khó khăn của trẻ em vùng cao,” họa sỹ Lê Thiết Cương - giám tuyển của triển lãm chia sẻ.
Gã họa sỹ vốn nổi tiếng cả về tài và độ “dị” ấy bảo, những họa sỹ tham gia triển lãm lần này đã coi những chiếc mặt nạ giấy bồi là những tờ giấy để vẽ lên đó những bức tranh của mình.
Mỗi bức tranh mang một sắc thái riêng và kể những câu chuyện khác nhau về đời sống. Cảm xúc vui-buồn, háo hức-ưu tư, bất ngờ, thảng thốt… đan xen.
Theo vị giám tuyển của triển lãm, mặt nạ là đồ vật khá quen thuộc trong đời sống của người Việt. Từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2000-3000 năm, người Việt cổ đã sáng tạo nên các loại mặt nạ từ nhiều loại chất liệu khác nhau. Ngày nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cũng vẫn tạo nên các loại mặt nạ từ những loại mặt nạ từ vỏ cây…
“Mặt nạ không chỉ là một loại đồ chơi Trung Thu như ta thường thấy mà đó còn là phương tiện giúp con người che đi khuôn mặt, cảm xúc hiện tại, để trở về với bản thể,” họa sỹ Lê Thiết Cương nói.
Triển lãm “Mặt” là hoạt động hưởng ứng dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung Thu.” Cũng trong buổi sáng nay, các diễn giả đã mang tới những câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa... của các loại mặt nạ Trung Thu truyền thống.
Bên cạnh những chiếc đèn lồng thì mặt nạ giấy bồi (mặt nạ ông Địa, mặt nạ thỏ ngọc, mặt nạ khỉ, trâu, lợn…) là một loại đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam mỗi dịp Trung Thu.
Tiến sỹ Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, các loại mặt nạ này đều gắn với tín ngưỡng dân gian, văn minh nông nghiệp trồng lúa nước của người Việt.
Ví dụ như, mặt nạ ông Địa được làm với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ của đất đai. Trong khi đó, thỏ ngọc lại là hình ảnh tượng trưng cho sự đẹp đẽ, hài hòa hoặc ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Hình tượng ông Địa no đủ, thỏ ngọc nhanh nhẹn mang ước vọng về một mùa màng bội thu.
“Thiếu nhi là đối tượng chính mà chúng tôi muốn hướng tới trong dịp này. Các em có quyền chơi những đồ chơi điện tử, kỹ thuật số hiện đại nhưng các em cũng cần biết về những đồ chơi truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng của dân tộc,” họa sỹ Lê Thiết Cương bày tỏ.
Sau đó, các em thiếu nhi đã trực tiếp vẽ những chiếc mặt nạ Trung Thu bằng giấy bồi. “Đây là lần đầu tiên em tự làm đồ chơi Trung Thu cho mình. Em cảm thấy rất thú vị khi vẽ được một chiếc mặt nạ với những màu sắc theo ý thích,” bé Bích Ngọc (10 tuổi, Hoàn Kiếm) nói đầy vẻ háo hức trong lúc hý hoáy pha màu.
Số tiền thu được từ việc tổ chức chương trình vẽ mặt nạ sẽ được dùng để ủng hộ việc xây dựng lớp học, lập tủ sách ở trường Tiểu học Suối Ban (Phù Yên, Sơn La).
Các họa sỹ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Mặt” bao gồm: Tào Linh, Trần Gia Tùng, Phạm Trần Quân, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Thị Nhi Bình, Nguyễn Trung Kiên, Đức Phạm và Lê Thiết Cương./.