Cầu Long Biên: Hai câu chuyện của quá khứ và hiện tại

Sự có mặt của cây cầu Long Biên ngày ấy đã đưa tới sự sầm uất cho 36 phố phường HN, như câu chuyện thời hoàng kim phố Lò rèn...
Người Hà Nội, người phố cổ vẫn còn kể câu chuyện về sự có mặt của cây cầu Long Biên đã đưa tới sự sầm uất, thịnh vượng cho 36 phố phường Hà Nội ngày ấy, như thời hoàng kim phố Lò rèn...

Và hôm nay, nhiều người trẻ bằng sự thành tâm và lao động nghiêm túc đã đưa ra những ý tưởng khoa học được giới chuyên môn đánh gia cao, nhằm đánh thức, làm "sống" dậy cây cầu lịch sử.

Thời cả phố giàu nhờ cái... đinh


Người kể câu chuyện thú vị và cảm động này là bác Nguyễn Thế Lai, 64 tuổi. Bác là đời thứ ba trong một gia đình làm nghề rèn phố Hàng Bừa xưa, cũng là một trong hai người thợ rèn còn xót lại phố Lò Rèn ngày nay.
 
"Lúc đó, Người Pháp khởi công xây cầu Long Biên. Để đường ray cố định trên thân cầu thì phải hàn giữa tà vẹt với đường ray bằng loại đinh vít mà người Việt vẫn gọi dân dã là đinh tai chó, đinh con cóc", bác Lai bắt đầu câu chuyện.

Gần 100 số nhà ở phố Lò Rèn dần trở nên làm ăn phát đạt các loại đinh ốc theo đơn đặt hàng xây dựng cầu của kỹ sư người Pháp.

Cũng nhờ có cây cầu, 36 phố phường thêm phần sầm uất khi hàng hóa qua cảng Hải Phòng vào đến nội địa, sản phẩm thủ công các làng ven đô qua cầu mà ra phố, vật sản trên núi cao cũng xuống được đồng bằng…

“Con phố dài 128 mét nhưng có gần 100 số nhà làm nghề rèn và hơn nửa là người thợ quê gốc làng Hòe Thị. Những bễ lò rèn lớn nhỏ, cứ phì phò đỏ lửa suốt ngày đêm…”

Trong trí nhớ của bác Lai, đêm đêm, trên cầu Long Biên dang dở, ông nội và cha mình cùng những người thợ rèn ở phố phải đưa bễ lò lên tận cầu làm tăng ca.

Ngoài "sốt" các loại đinh làm cầu, đồ rèn sinh hoạt gia đình một thời “eo xèo buổi chợ” được thay thế hàng loạt mặt hàng “đắt đỏ”. Từ xe xích lô, hàng rào khung cửa uốn cho nhà kiến trúc kiểu Pháp đến đầu súng kíp, công cụ lao động…

Bác Lai còn cho chúng tôi biết, thời gian khởi dựng cầu Long Biên không chỉ người thợ nghề Lò Rèn “một tấc lên giời”, dân lao động tứ xứ cũng được “thơm lây” hưởng lộc.

Thời buổi chiến tranh loạn lạc, mỗi nhân công trong một giờ đồng hồ đào mấu cầu, lắp ghép hệ thống nhịp theo công nghệ được trả 1 đồng bạc. Số tiền ấy quả là “món hời”, đáng giá 1 nồi gạo, tương đương 15kg.

Nhúng con dao vào chậu nước ngút khói, bác Lai tự hào: “tương truyền xưa kia chính người làng Hòe Thị đã rèn ngựa sắt, roi sắt cho ông Thánh Gióng đuổi giặc ngoại xâm. Sau này, chiến tranh chống thực dân, đế quốc hầm cầu Long Biên là nơi trú ngụ an toàn cho nhân dân khỏi bom B52.”

Bác Lai vẫn nhớ như in tiếng loa cất lên: “đồng bào chú ‎ý máy bay địch xuất hiện trên vùng trời Hà Nội và bắn phá, mọi người vào hầm trú ẩn, lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu… Ngay lập tức người dân khu vực quanh cầu dừng ngay mọi sinh hoạt xuống hầm cầu trú ẩn.

Người thợ rèn già bình thản: “chiều chiều tôi đi bộ từ nhà ở phố Lò Rèn lên cầu tập thể dục. Quí giá lắm, tìm một nơi đi bộ lý tưởng vậy ở thủ đô, bờ hồ đông quá rồi. Tôi thích thú và muốn sống lâu hơn mỗi khi rải bước trên cầu thấy nhiều bạn trẻ đứng tựa vào thành, ngửa mặt ra sông Hồng lộng gió, rướn cổ họng mà hô to, hét lớn những hỉ nộ ái ố, trông thật thoải mãi…”

...Và ý tưởng “Long Biên- ngày và đêm"

Vị trí cầu Long Biên từ ngày được người Pháp khởi xây với phố phường Kẻ Chợ thế nào chắc hẳn không ai có thể phủ nhận được. Qua những biến đổi bể dâu của thời cuộc cộng với tuổi thọ đã hơn thế kỷ, giờ đây cây cầu đã như một người già, cũ kỹ.

Với hy vọng "đánh thức" làm sống lại cây cầu như buổi còn nguyên vẹn, trong một cuộc thi gần đây, một nhóm tác giả gồm ba sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội đã "giật" giải nhất với ý tưởng “Long Biên- ngày và đêm”.

Ý tưởng này nhằm mục đích đánh thức ký ức về cầu Long Biên thuở ban đầu đồng thời nối ký ức ấy với hiện tại ở ngay những nhịp cầu đã mất của cây cầu đã bị chiến tranh, biến cố thời gian làm hư hỏng.

Không phải ai cũng nhớ, đặc biệt lớp người trẻ rằng hình dáng hoàn thiện cầu Long Biên lúc ban đầu trải dài trên 18 nhịp cầu, dàn khung sắt cao thấp nhấp nhô vắt qua sông Hồng. Chiến tranh phá hoại, cầu Long Biên từng bị bom Mỹ đánh phá làm gãy một số nhịp, mất đi nhiều đoạn nhấp nhô.

Nhóm tác giả sử dụng hệ thống cột thép, dây thép dây văng, đèn chiếu cao áp và hệ gương cầu tái tạo lại các nhịp cầu đã mất, hoặc dùng dây căng đèn bóng bọc nhựa để chăng lên thành các nhịp cầu. 

Khi màn đêm buông xuống thành phố, hệ thống đèn LED (tiết kiệm năng lượng) thắp sáng cho toàn bộ cây cầy thành một đường ánh sáng vắt hai bờ sông Hồng. Nhóm giải thích: "Sử dụng ánh sáng đánh thức không gian, ký ức đã mất của cầu Long Biên sẽ là giải pháp nhẹ nhàng và hiệu quả nhất".

Ước tính, ban đêm cầu sẽ được chiếu sáng từ 7h đến 9h tối. Thời gian chiếu sáng đó mất khoảng 170 số (KW ) điện, tương đương năng lượng một hộ gia đình nhỏ sử dụng trong nửa tháng.

Cũng với hệ thống cột thép và dây văng ấy, ban ngày sẽ tạo ra một vế so sánh làm nổi bật kết cấu mới và cũ. Hệ thống đó sẽ góp phần làm một cái giá đỡ gia cố lực cho toàn bộ thân cầu.

Lý giải cho dự án đầy táo bạo này, nhóm các bạn trẻ cho rằng "tự cảm thấy có trách nhiệm nêu lên ý tưởng và những giải pháp, nhằm cải thiện hơn là đổ thừa, bao biện".

Nhóm ba người trẻ cũng mạnh dạn “đề xuất” nên trưng bày một đầu xe lửa ở một đoạn ngắn trên đường ray thay vì cho tàu chạy. Bên cạnh đó gia cố lại phần móng, trụ cầu và dùng các giải pháp về không gian như ánh sáng để cây cầu vững, đẹp hơn. Họ cho rằng đó cũng là một công năng hữu ích về bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch...

Trong khi đó, theo GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, thì "Phương án tu bổ, gia cố sẽ là một vòng luẩn quẩn nếu cứ sai đâu sửa đấy, sai đấy sửa đâu? Thế thì không nên sửa làm gì. Thay thế hay bỏ đi cái cũ cốt yếu ở việc sử dụng cái mới như thế nào? Giả dụ, nên xem xét, cân đong đo đếm để tính đến một hình thức vận chuyển khác thay thế đường sắt thì sẽ hợp lý, nhẹ nhàng với hiện trạng cầu Long Biên bây giờ. Được vậy, bộ nhớ Hà Nội sẽ được kéo dài và mang vẻ đẹp đa chiều về văn hóa”./.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục