CEOE: Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng 1% năm 2014

Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha (CEOE) vừa đưa ra dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng “khoảng 0,7-1%” trong 2014. 
CEOE: Kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng 1% năm 2014 ảnh 1Dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế Tây Ban Nha được kỳ vọng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng thất nghiệp tại nước này. (Ảnh: AFP)

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh doanh Tây Ban Nha (CEOE) Juan Rosell dự báo kinh tế nước này có thể tăng trưởng “khoảng 0,7-1%” trong năm 2014.

Với mức tăng trưởng này, Tây Ban Nha có thể kiến tạo thêm từ 75.000-100.000 việc làm toàn thời gian mới và khoảng 150.000-200.000 việc làm bán thời gian mới.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Việc làm và An sinh Xã hội Tây Ban Nha công bố số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng Hai của nước này đã giảm khoảng 1.949 đơn.

Theo bộ trên, đây là lần đầu tiên số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, bên cạnh đó con số này cũng là số liệu tốt nhất tính theo tháng kể từ năm 2007 khi số người thất nghiệp giảm khoảng 7.233 người.

Tuy nhiên, tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Tây Ban Nha vẫn còn phải đối mặt với một số rủi ro và sự mất cân bằng kinh tế. Theo EC, Tây Ban Nha cần một chính sách hành động kiên quyết và tiếp tục giảm nợ. Đồng thời Tây Ban Nha cần tiếp tục cải cách cơ cấu để củng cố đà tăng trưởng và tính đến những vấn đề xã hội.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria hôm 7/3 thông báo chính phủ nước này đã thông qua các biện pháp mới nhằm ngăn chặn nguy cơ đóng cửa các doanh nghiệp.

Theo ông Saenz de Santamaria, các quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có triển vọng nhưng đang mắc nợ cao tái tiếp cận với các nguồn tín dụng, “đảm bảo tương lai cho các doanh nghiệp này, tránh rơi vào tình trạng phá sản và đem đến cho các doanh nghiệp nhiều công cụ tài chính để tái cơ cấu doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp.”

Hãng tin Reuters trích dẫn một nguồn tin đáng tin cậy rằng sau khi các biện pháp mới này được áp dụng, các doanh nghiệp đang “ôm” nợ lớn có thể gia hạn thời gian trả nợ cho ngân hàng, thương lượng giảm nợ và chuyển đổi nợ sang cổ phần với các nhà tín dụng.

Chính phủ Tây Ban Nha hy vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản gây ra và duy trì năng suất của các doanh nghiệp trong nước, trong khi giúp khôi phục nền kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục