Cha đẻ của cuộc "Cách mạng Xanh" qua đời

Nhà khoa học Mỹ Norman Borlaug, cha đẻ của cuộc "Cách mạng Xanh" và từng đoạt giải thưởng Nobel Hoà bình đã qua đời ở tuổi 95.
Nhà khoa học Mỹ nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp Norman Borlaug, cha đẻ của cuộc "Cách mạng Xanh" và từng đoạt giải thưởng Nobel Hoà bình vì vai trò chống đói nghèo trên toàn cầu, đã qua đời ngày 12/9 tại nhà riêng ở bang Texas (Mỹ), ở tuổi 95.

Ông Borlaug được nhận giải Nobel Hoà bình năm 1970 nhờ việc đem lại những loại hoa màu có sản lượng cao, cũng như nhiều cuộc đổi mới khác về nông nghiệp cho các nước đang phát triển.

Cuộc "Cách mạng Xanh" mà ông đưa ra đã giúp đẩy lùi nạn đói trên toàn cầu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20, thời điểm dân số bùng nổ mạnh ở các nước kém phát triển, và ông còn giúp những nước này sản xuất tăng vọt về lương thực trước nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, do hệ thống nông nghiệp lạc hậu không đáp ứng được nhu cầu.

Cuộc "Cách mạng Xanh" đã cứu sống khoảng 1 tỷ người ở những nước đang phát triển khỏi nguy cơ chết đói.

Vào thời điểm đó, nhà khoa học Borlaug nhận thấy rằng chỉ có thể cải thiện các loại hoa màu khác nhau mới có thể giúp người dân ở các nước đang phát triển thoát khỏi đói nghèo và ông đã kêu gọi chính phủ các nước ban hành những chính sách kinh tế thân thiện với nông dân, đồng thời đẩy mạnh cải tiến cơ sở hạ tầng để các thị trường có thể tiếp cận hàng nông sản.

Ông bắt đầu tập trung nghiên cứu nhằm cải tiến ngành nông nghiệp từ cuối Chiến tranh thế giới thứ II trong những phòng thí nghiệm tại Mexico. Tại đây, ông đã áp dụng những kỹ thuật gây giống tiên tiến để cho ra đời nhiều loại giống lúa mì có sức đề kháng cao đối sâu bệnh và cho sản lượng cao hơn nhiều so với loại cây truyền thống.

Ông cùng nhiều nhà khoa học khác sau đó đã áp dụng phương pháp này để cải tiến các giống lúa và ngô cho châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi.

Nhờ cuộc "Cách mạng Xanh", từ năm 1960 tới 1990, sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2006, một cuốn sách về ông đã được xuất bản với tiêu đề "Người nuôi sống cả thế giới" (The man who fed the world).

Trong cuộc đời mình, ông từng tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học, đứng đầu một trung tâm quốc tế đào tạo cho các nhà khoa học trẻ.

Năm 1986, ông lập Giải thưởng lương thực thế giới, đặt trụ sở ở bang Iowa, với số tiền trị giá 250.000 USD, để trao hàng năm cho những ai có đóng góp cải tiến ngành nông nghiệp thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục