Chân dung người y sỹ 12 năm đồng hành với căn bệnh thế kỷ

Với y sỹ Nguyễn Thị Liên chỉ đơn giản, được giúp đỡ và đem lại cơ hội sống cho người dân quê như vậy đã là niềm hạnh phúc nhất trên đời.
Chân dung người y sỹ 12 năm đồng hành với căn bệnh thế kỷ ảnh 1Y sỹ Liên đến thăm hỏi gia đình bệnh nhân Tân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Trong chuyến công tác tại Điện Biên, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện đầy xúc động của y sỹ Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) - người đã có 12 năm gắn với công tác vận động phòng chống HIV/AIDS.

Chị kể, có bệnh nhân nữ nhiễm HIV nhà ở trong bản, cách đây mấy năm bệnh đã chuyển giai đoạn nặng, trong nhà ai cũng xác định chuẩn bị đưa tang cho bệnh nhân đó. Thậm chí, người nhà đã tiến hành đóng quan tài, người nhà ra chợ mua thức ăn về để chuẩn bị làm ma. Vậy mà như có một điều kỳ diệu đã xảy ra, bệnh nhân nữ trên khi được tiếp cận với thuốc điều trị ARV, cuộc đời đã khác hẳn, sức khỏe được cải thiện, đến giờ bệnh nhân nữ đó vẫn sống, béo khỏe và xinh hẳn ra.

Với chị, chỉ đơn giản, được giúp đỡ và đem lại cơ hội sống cho người dân quê như vậy đã là niềm hạnh phúc nhất trên đời.

Chuyện đùa nhưng thật

Đường vào trạm y tế xã Thanh Xương gập gềnh toàn những… “ổ voi”. Dù đi xe máy hay ôtô vào xã, người ta luôn có cảm giác nảy tưng tưng liên tục như đang cưỡi ngựa.

Trước đây, Điện Biên được xem như là một “chảo lửa” bởi dịch HIV/AIDS bùng phát, nó được coi là đại dịch ở thành phố Tây Bắc của Tổ quốc này.

Kể về công việc của mình, người y sỹ sinh năm 1963 này bắt đầu bằng một câu chuyện vui rằng, hơn 10 năm gắn bó với công tác phòng chống HIV/AIDS và ma túy, đã từ lâu mọi người cứ đùa chị rằng: “Ở cái trạm y tế xã này, cứ nhìn thấy ai vất vưởng, đi lại dặt dẹo là mọi người đều bảo đó là bạn thân chị Liên đấy.”

Tới nhà một bệnh nhân nhiễm HIV tên Tân được chị ân cần theo dõi, chăm sóc chỉ bảo các biện pháp dự phòng suốt gần chục năm nay, chị Liên kể: “Mừng lắm, ngôi nhà nhỏ bé của đôi vợ chồng trẻ vừa đón nhận một niềm vui vô bờ khi người chồng có HIV đã thực hiện dự phòng tốt để vợ không bị nhiễm bệnh và sinh ra một em bé không mắc HIV. Đó là thành công lớn nhất mà chúng tôi giúp những người dân có một cuộc sống trọn vẹn mà không mặc cảm.”

Chị Liên cho hay, để có được giây phút hạnh phúc này là sự nỗ lực và cố gắng của rất nhiều người. Chị chia sẻ: “Ngay khi Tân lấy vợ, chúng tôi đã đến tư vấn cho cậu ấy cách phòng tránh lây nhiễm HIV sang vợ. Biết nguyện vọng cháy bỏng của Tân là muốn có con, chúng tôi phải hướng dẫn từng ly từng tý, rồi cho vợ Tân uống thuốc dự phòng. Đến giờ phút này, cả mẹ và con đều không bị nhiễm HIV, mừng lắm”.

Chân dung người y sỹ 12 năm đồng hành với căn bệnh thế kỷ ảnh 2Trạm Y tế xã Thanh Xương là nơi chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ rất nhiều số phận khác nahu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Xã liên tục có người chết vì AIDS

Thanh Xương trước kia là một trong số những xã có tỷ lệ người nhiễm HIV cao ở Điện Biên. Những năm qua, nhờ có sự hoạt động tích cực của những nhân viên y tế cấp cơ sở, cuộc sống của những người nhiễm HIV đã được thay đổi rõ rệt.

Tính đến cuối năm 2014, trong xã lũy tích tới 185 người nhiễm HIV, 75 người tử vong do AIDS, 40 người mất dấu có thể do cư trú không ổn định…

Chị Liên cho hay, người nhiễm chủ yếu trong độ tuổi 18-39, nam giới chiếm 85%, phụ nữ chủ yếu lây từ chồng. Tuy nhiên, nhờ công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh, đặc biệt là nhờ phương pháp điều trị HIV 2.0 được triển khai từ năm 2012 tại xã, số người nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, được uống thuốc dự phòng… đã giúp tỷ lệ tử vong do AIDS giảm rõ rệt. Điều đáng mừng nhất ở Thanh Xương là từ đầu năm 2014 đến nay, xét nghiệm 184 người không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV.

Người y sỹ tâm huyết với nghề giãi bày, không phải tất cả những người bị lây nhiễm HIV/AIDS đều có được kết cục đẹp như vợ chồng bệnh nhân Tân. Khoảng 5-7 năm trước đây, ở xã Thanh Xương, liên tục có người chết vì AIDS nhiều gia đình đau khổ, bà con lo lắng.

Trong công tác vận động người dân phòng chống HIV/AIDS, chị tâm sự, khó tiếp cận nhất vẫn là những người đang sử dụng ma túy lang thang nay đây mai đó. Nhân viên y tế đến nhà nhiều lần, có gặp được thì họ cũng ậm ừ rồi đi mất. Từ lúc đưa được mô hình điều trị cai nghiện thay thế Methadone về tại xã, những người nghiện nhiễm HIV đã dễ dàng tiếp cận thuốc điều trị ARV.

Kể về một chuyện khó quên trong những năm làm công tác phòng chống HIV/AIDS, chị Liên vẫn day dứt: “Trong số những ca nhiễm HIV, có một trường hợp chúng tôi buồn mãi. Trong khi người khác tuân thủ giữ gìn tránh lây nhiễm cho vợ qua sinh hoạt tình dục thì một trường hợp nghiện cả ma túy và rượu, khi uống rượu về say bắt vợ quan hệ và không dùng bao cao su, khiến vợ bị lây nhiễm.”

Điều chị Liên canh cánh nhất trong lòng, đó là làm thế nào để thế hệ trẻ không có người nghiện, người nhiễm HIV. Người nhiễm rồi thì được điều trị, được lao động, sống có ích và biết bảo vệ người bạn đời, bạn tình của mình.

Chị Liên tâm sự, việc vận động người nhiễm HIV/AIDS uống thuốc ARV, dùng các biện pháp phòng hộ để khỏi lây nhiễm những người khác trong gia đình hay vận động người nghiện uống Methadone như là một cuộc chiến tâm lý kết hợp thời gian. Bởi quá trình vận động các đối tượng này, để lay chuyển họ từ những con người ở tận đáy của xã hội, đưa họ trở lại là những con người lương thiện, có ích cho xã hội là không hề đơn giản.

Dáng người nhanh nhẹn, hoạt bát, chuyên gia về điều trị HIV này gần như thuộc làu làu tất cả những kiến thức trong lĩnh vực của mình, bởi nó đã ăn vào… máu của người y tá suốt 12 năm qua đồng hành với căn bệnh thế kỷ.

Chị Liên cho hay, xã Thanh Xương là một địa bàn rộng, trong khi nhân viên của trạm lại toàn nữ nên hơn chục năm nay, các chị em không còn cách nào là phải khắc phục mọi khó khăn.

Quả thực, những con người đã gắn bó ròng rã với công cuộc này, từ những ngày đầu đại dịch HIV bùng phát cho tới khi nó lắng dịu, là vô cùng đáng trân trọng. Những đóng góp thầm lặng đã minh chứng họ là những con người có ý chí thép bởi những nỗ lực không mệt mỏi, tận hiến cho sức khỏe cộng đồng./.

Sáng kiến điều trị 2.0 là một sáng kiến toàn cầu do Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng với mục tiêu thúc đẩy việc mở rộng điều trị HIV. Nét nổi bật của phương thức điều trị 2.0 so với các phương thức điều trị khác (1.0) là thực hiện dựa trên những định hướng tiếp cận y tế công cộng.

Với phác đồ điều trị trong sáng kiến 2.0, bệnh nhân chỉ uống 1 viên thuốc duy nhất/ngày (1 phác đồ điều trị), thay vì trước đây bệnh nhân phải uống nhiều viên, một ngày uống 3 lần (3 phác đồ điều trị). Cùng với đó, việc phân cấp, phân tuyến điều trị mở rộng xuống tận địa bàn xã, phường của sáng kiến điều trị 2.0 sẽ rút ngắn được khoảng cách, thời gian và tăng thêm cơ hội cho bệnh nhân trên địa có nhu cầu điều trị được tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn, giảm chi phí, gánh nặng đi lại đối với người nhiễm HIV.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục