Filip Leopold Louis Marie sinh ngày 15/4/1960, là con trai cả của Hoàng tử Albert và Công nương Paola. Ông lớn lên tại Lâu đài Belvédère ở Brussels. Ông còn có một em gái, Công chúa Astrid, và một em trai, Hoàng tử Laurent. Ở tuổi 53, Filip sẽ trở thành vị Vua thứ 7 của Vương quốc Bỉ. Ông đã được chỉ định kế vị Ngai vàng, nhưng thực sự không ngờ rằng cha ông sẽ thoái vị. Các vị vua của Vương quốc Bỉ không có truyền thống này. Lúc còn bé, ông và các em không thường xuyên được gặp cha mẹ mình vì họ luôn vắng nhà, thêm vào đó, cuộc hôn nhân của họ bị đe dọa bởi những tin đồn về các mối tình “ngoài luồng” của Albert. Lúc đầu, có vẻ như Filip không thích hợp để chọn làm người kế vị. Khi ông còn trẻ, bác của ông là Boudewijn ngự trị trên ngai vàng. Nhưng Vua Boudewijn và vợ là Hoàng hậu Fabiola không có con, nên nhận trách nhiệm giúp giáo dục cậu bé Filip là người kế vị thứ hai sau Albert. Một chương trình giáo dục tập trung vào xây dựng tính cách đã được áp dụng với Filip. Sau đó Filip đã chọn vào học tại Học viện Quân sự Hoàng gia Bỉ, rồi sang Mỹ nghiên cứu về Khoa học chính trị. Ông trở thành người đầu tiên trong dòng họ Coburg có bằng đại học. Vị Hoàng tử này còn được biết đến như một người mê thể thao và thích đối mặt với thử thách. Ông theo khóa đào tạo lính dù và là phi công lái máy bay chiến đấu. Người ta thường thấy trên báo chí hình ảnh Filip ngồi trong chiếc phản lực chiến đấu F-16. Ông còn là phi công lái máy bay lên thẳng, mặc dù mới đây ông đã bán chiếc trực thăng của mình. Cũng giống như cha mình và bác, Filip có niềm đam mê kỹ thuật và khoa học, đặc biệt thích thú du lịch vũ trụ. Năm 1992, ông đã có cuộc đối thoại ngắn với nhà du hành vũ trụ đầu tiên người Bỉ, Dirk Frimout. Hoàng tử nói: “Hãy gọi tôi là Filip, chúng ta không có nghi thức gì trong vũ trụ”. Và một câu nói khác của Hoàng tử đã trở nên nổi tiếng: “Chúng ta có thể nhìn thấy gì qua cửa sổ.” Ngày 31/7/1993, việc Vua Boudewijn băng hà là hoàn toàn bất ngờ. Đối với nhiều người, sự việc cũng không kém bất ngờ là Albert chứ không phải Filip lên nối ngôi. Tuy nhiên, Filip cũng đã trở thành Thái tử và thay cha ông giữ chức Chủ tịch danh dự tại Sở Ngoại thương. Ông cũng đã thúc đẩy các hoạt động ngoại thương của Bỉ. Là con trai Đức Vua, Filip nghiễm nhiên trở thành thành viên của Thượng viện Bỉ. Khi tuyên thệ tại đây, ông nói rằng ông muốn xây dựng cầu nối giữa các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau tại Bỉ. Vì mục đích đó, ông đã thiết lập Quỹ Prins Filip. Tháng 9/1999, Filip đã khiến cả nước Bỉ ngạc nhiên với vị hôn thê mới của mình - Mathilde d'Udekem d'Acoz, người kém ông 13 tuổi. Filip, người vốn được coi là cứng rắn, đã trở thành một con người khác và tuyên bố ông “hành động theo sự chỉ dẫn của con tim." Mathilde đã mang đến một luồng gió mới, đưa người dân Bỉ gần gũi hơn với Hoàng gia. Hàng trăm dân thường đã được mời dự lễ đính hôn của Filip và Mathilde. Mathilde đã tạo được ấn tượng tốt với giới báo chí và với người dân Bỉ. Người ta còn nhận xét rằng chính bà là người đã khiến cho Filip trở thành một người hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, giới báo chí vẫn mô tả Filip là một người vụng về và thiếu tự tin. Mối quan hệ của ông với báo chí không phải luôn luôn tốt. Vào tháng 10/2001, Filip và Mathilde đã chào đón cô con gái đầu lòng, Elisabeth. Do luật pháp đã được sửa đổi, Elisabeth sẽ trở thành nhân vật kế vị số một khi Filip trở thành Vua.
Thái tử Filip và Công nương Mathilde.
Trên chính trường Bỉ, hiện có một câu hỏi đang được đặt ra: Liệu Filip có vai trò gì sau cuộc bầu cử vào năm 2014 hay không? Năm 2004, Filip đã gây sóng gió khi ông chỉ trích phe cực hữu Vlaams Belang. Ông được dẫn lời nói: “Chúng ta cần có tiếng nói của một nhà nước, và chứng tỏ chúng ta là một. Nếu không, nước Bỉ sẽ tan rã. Những ai muốn kết thúc nước Bỉ, sẽ phải đối mặt với tôi.” Thủ tướng Bỉ lúc đó, Guy Verhofstadt, đã phải đề nghị Filip ít xuất hiện hơn vì các thành viên Hoàng gia phải có quan điểm trung lập. Hiện vẫn chưa rõ vai trò Filip có thể có sau cuộc bầu cử vào năm tới - Bỉ có các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia vào tháng 5/2014, và các cuộc đàm phán liên minh sau đó có thể sẽ rất phức tạp. Tại Bỉ, Nhà Vua là người chỉ định nhà trung gian hòa giải - nhân vật có nhiệm vụ dàn xếp thương lượng giữa các phái để thành lập một chính phủ, song Vua cũng là người phải đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp khi các cuộc thương lượng đổ vỡ. Nói cách khác, Nhà Vua lái các cuộc đàm phán, mặc dù các chính trị gia là người thực sự đưa ra các quyết định. Theo luật của Bỉ, Nhà Vua không có quyền hành pháp và chủ yếu đóng vai trò mang tính nghi lễ. Tuy nhiên, Vua Albert II đã hành động như một nhà trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hồi năm 2011./.
Thái Vân/Brussels (Vietnam+)