Ngày 14/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết đã chấp thuận gia hạn thời gian cải tạo 4 mỏ đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đến ngày 30/4.
Văn bản này được ký ban hành ngày 12/4. Như vậy, các đơn vị thi công cao tốc chỉ có 18 ngày để khai thác nguồn đất đắp.
Tỉnh yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác thực hiện nghiêm theo phương án cải tạo đất nông nghiệp chỉ để phục vụ thi công Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây; bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Sau khi hoàn thành lấy đất đắp, các đơn vị liên quan phải cải tạo đất và phân tích mẫu đất đảm bảo chất lượng để thực hiện hoàn thổ, cải tạo đất, trồng cây theo phương án được duyệt.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh, thời gian gia hạn như trên là do Bộ Giao thông Vận tải ấn định đến ngày 30/4, Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây sẽ hoàn thành. Vì vậy, không còn lý do để tiếp tục khai thác đất san lấp.
Qua ngày 30/4, nếu cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vẫn còn thi công và Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chính thức, tỉnh sẽ xem xét, căn cứ trên các quy định pháp luật để tiếp tục gia hạn, đảm bảo đất đắp phục vụ dự án.
Theo đánh giá của Ban Điều hành Dự án Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, ngành chức năng Đồng Nai đã nỗ lực trong việc giải quyết nguồn đất đắp phục vụ dự án. Tỉnh gia hạn thời gian cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi vật liệu san lấp đáp ứng mong mỏi của các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, thời gian gia hạn 18 ngày là quá ngắn. Các nhà thầu không thể khai thác đủ đất phục vụ dự án trong khoảng thời gian này. Ban điều hành dự án sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho thêm thời gian gia hạn để tháo gỡ nguồn đất đắp.
Đại diện liên danh gói thầu số 3, Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cho biết trước đây việc vận chuyển đất dễ dàng nên các nhà thầu có thể huy động nhiều máy móc, phương tiện đồng loạt khai thác đất. Hiện nay, tuyến chính cơ bản đã xong nên xe chở đất phải hạn chế lưu thông. Vì vậy các xe này phải di chuyển theo các đường dân sinh, xen lẫn khu dân cư tập trung nên khó đáp ứng yêu cầu về tải trọng, tốc độ.
Năm 2020, Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây với chiều dài 99km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai khởi công. Để giải quyết nhu cầu đất đắp, đầu năm 2022, Đồng Nai cho phép chủ đầu tư cao tốc cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp phục vụ dự án, thời gian khai thác đến cuối năm 2022.
Sau khi hết hạn, chủ đầu tư Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đã đề nghị tỉnh gia hạn khai thác. Tuy nhiên, địa phương chưa thể quyết định vì thời gian này, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu dự án giao thông; trong đó, có Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
[Gấp rút hoàn thành Cao tốc Bình Thuận đi Đồng Nai trước 30/4]
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 1951/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc vật liệu san lấp dự án Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ cho hay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục giải quyết việc cung cấp vật liệu san lấp, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị việc gia hạn sử dụng vật liệu đất dôi dư thu hồi trong quá trình thực hiện hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng phục vụ thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây.
Văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ dự án Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có tổng chiều dài 99km, trong đó, hơn 51km thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, bên cạnh thực hiện các thủ tục cấp phép các mỏ đất cho dự án theo cơ chế đặc thù tại các Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ, cấp cho các nhà thầu 5 vị trí với tổng trữ lượng hơn 2,1 triệu m3 với hình thức lập hồ sơ cải tạo hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng.
Dự án Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Ban Quản lý Dự án Thăng Long-Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án được khởi công cuối tháng 9/2020 và theo kế hoạch cao tốc này sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên, dự án phải lùi tiến độ đến 30/4/2023 để đưa vào khai thác.
Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25m, với 6 nút giao và 65 cầu với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết Dự án Cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết là một phần trong dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến trung tâm du lịch Phan Thiết-Mũi Né còn 2-2,5 tiếng thay vì 4-5 tiếng đi trên Quốc lộ 1.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành sẽ kết nối với Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Sân bay Quốc tế Long Thành đang triển khai và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế-xã hội./.