Chất vấn Bộ trưởng Tài chính: Lĩnh vực thuế tiềm ẩn nhiều tham nhũng

Bộ trưởng Tài chính trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế; vấn đề quản lý thuế giá trị gia tăng, gian lận thương mại, trốn thuế.
Chất vấn Bộ trưởng Tài chính: Lĩnh vực thuế tiềm ẩn nhiều tham nhũng ảnh 1 Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Võ Thị Như Hoa chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 16/11, người đứng đầu ngành Tài chính đã trả lời các câu hỏi đại biểu liên quan đến tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế; vấn đề quản lý thuế giá trị gia tăng, gian lận thương mại, trốn thuế; hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại...

Sẽ không cho vay lại nguồn vốn vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu quốc tế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) về vai trò của Bộ Tài chính trong việc vay về cho vay lại, hiệu quả sử dụng số vay này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ theo quy định hiện hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chủ quản trình Chính phủ về dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công, trong đó xác định rõ nguồn vốn vay nước ngoài cụ thể với từng dự án. Bộ Tài chính có trách nhiệm trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế cho vay lại cho chủ dự án là các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong đó xác định rõ số tiền vay lại và điều kiện vay.

Cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm thẩm định khả năng hoàn vốn các khoản vay. Cơ quan chủ quản là các bộ, ngành địa phương chịu trách nhiệm quản lý hiệu quả việc sử dụng khoản vay lại. Cuối cùng, Bộ Tài chính theo dõi và thu hồi số tiền vay lại vào quỹ tích lũy trả nợ để trả cho phía nước ngoài khi đến hạn.

[Bộ trưởng Tài chính: Có suy thoái trong đội ngũ hải quan, thuế]

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tồn tại, hạn chế trong vấn đề này đã được các đại biểu nêu là một số bộ, ngành địa phương có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước; một số dự án vay lại còn dàn trải và chưa hiệu quả, có những dự án quỹ tích lũy trả nợ phải trả nợ thay; chưa có chế tài xử lý khoản nợ xấu.

Để giải quyết tình trạng này, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới sẽ tập trung cho vay lại các dự án trong lĩnh vực then chốt, trọng điểm, có khả năng hoàn vốn; chỉ cho vay lại nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, không cho vay lại nguồn vốn vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu quốc tế để cho vay lại; đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.

Lĩnh vực thuế tiềm ẩn nhiều tham nhũng

Đặt vấn đề lĩnh vực thuế vẫn tiềm ẩn nhiều tham nhũng với thủ đoạn từ vòi vĩnh đến thông đồng để bỏ sót nguồn thu, áp mức thuế khoán, giá tính thuế không đúng, thậm chí có trường hợp cán bộ thuế bày cho hộ kinh doanh cách trốn thuế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt vấn đề.

“Tham nhũng thuế cộng với tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế cao đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách và làm méo mó hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường," đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng hiện nay còn phổ biến không, ai chịu trách nhiệm ?

Còn đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị cho biết về trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính trong quản lý thuế, tham nhũng thuế và chống tội phạm hiện nay. Dẫn kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong xác định thiếu giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hoá, ông Hà truy về trách nhiệm của Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nhận định 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế nằm trong báo cáo đánh giá chỉ số hài lòng của người nộp thuế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2015. Chương trình này do Bộ Tài chính đề xuất, giao Tổng cục Thuế phối hợp với VCCI tổ chức đánh giá, khảo sát. Năm 2015, qua khảo sát đánh giá, 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế. Nhưng năm 2016, đánh giá lại thêm một bước nữa thì con số này giảm còn 31%.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp VCCI và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện dự án khảo sát mức độ hài lòng của người nộp thuế. Bộ cũng có nhiều giải pháp để xử lý vấn đề này như thông qua việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ thuế trong thực thi công vụ, đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, trên kiểm tra dưới, tăng cường thanh tra, kiểm tra của cấp cục, tổng cục đối với các tổ, đội thuế ở xã, phường để thay đổi quy trình nghiệp vụ theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn.

Không đồng tình với số liệu trên, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đứng lên tranh luận. Chia sẻ với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, đại biểu cho biết đã cùng Mặt trận Tổ quốc khảo sát và nhận thấy 2 cơ quan này đã thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính.

“Cơ sở nào có thể đánh giá 63% doanh nghiệp cùng với thuế đi đêm với nhau, tôi phản đối, phải có chứng cứ và số liệu thống kê, nếu cứ nói thế này, trước quốc dân đồng bào người ta nhìn thấy thì niềm tin với doanh nghiệp và thuế rất tai hại” - đại biểu Thân bày tỏ.

Đại biểu cũng đề cập đến vấn đề áp dụng thuế khoán với hộ kinh doanh cá thể có doanh thu 100 triệu đồng trở lên có thuế khoán. “Chúng tôi được Thủ tướng giao nhiệm vụ đi vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nếu đặt ra vấn đề này thì gây ra hệ lụy là người ta không muốn chuyển đổi vì khi là doanh nghiệp thì phải đóng thuế 24-26%. Thuế áp đặt sẽ giảm đi rất nhiều thủ tục kế toán, hành chính, đỡ rất nhiều về lương” - ông Thân nói.

Chia sẻ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang rà soát để sửa đổi luật quản lý thuế, nghiên cứu chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đơn giản. Tới đây Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng nghiên cứu để ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa. “Chúng tôi cho rằng cũng tùy thuộc vào năng lực của hộ kinh doanh, không hẳn là vì khoán mà hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Còn nhiều lý do khác mà đặc biệt chúng tôi cho là lý do về thủ tục hành chính cũng cần đi sâu liên quan đến các ngành” - Bộ trưởng cho hay.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo lộ trình cam kết 90 dòng thuế ASEAN về 0% từ đầu năm 2018, nhưng "không phải thất thu, mà là giảm thu thuế."

Bộ Tài chính trình Chính phủ nghiên cứu thay đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, đề xuất giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với linh kiện ôtô chưa sản xuất được xuống 0% trong 5 năm gắn với điều kiện xe sản xuất hằng năm, nhằm kích thích sản xuất trong nước, tăng thu thuế nội địa. Nghị định này sắp được ký trong vài ngày tới.

"Nếu không có quy định này, Quảng Nam tính toán sẽ giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng; còn nếu có quy định này sẽ đảm bảo dự toán thu. Đây là một trong giải pháp kích thích sản xuất trong nước, đảm bảo cơ cấu lại ngân sách, tăng thu thuế nội địa", người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Xung quanh vấn đề quản lý thuế giá trị gia tăng, gian lận thương mại, trốn thuế, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị Bộ trưởng làm rõ vì sao người tiêu dùng hiện nay chưa có thói quen sử dụng hóa đơn hay khi mua hàng hóa yêu cầu người bán hàng phải xuất hóa đơn.

Hiện nay, người mua hàng đã chịu tính thuế này ở trong mặt hàng đã mua rồi. Nếu yêu cầu hóa đơn thì phải chịu thêm một lần thuế nữa. Trong khi đó, ngân sách lại phải hoàn thuế cho những người buôn bán. Như vậy, sẽ không minh bạch và cũng vẫn thất thoát trong ngân sách của nhà nước và người tiêu dùng vẫn bị thiệt thòi, đại biểu nêu quan điểm.

Theo Bộ trưởng, quy định hiện hành là bán hàng trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn. Dưới 200.000 đồng nếu người mua yêu cầu người bán vẫn phải xuất hóa đơn. Nếu người bán không xuất hoặc thu thêm 10% là người bán hàng vi phạm quy định. Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là rà soát lại luật pháp về thuế, trong đó có luật quản lý thuế; xây dựng Nghị định về hóa đơn chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ kinh tế. Hiện hóa đơn chứng từ điện tử đang triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Bộ trưởng cho rằng, về lâu dài phải kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong điều kiện hiện nay, với các hộ kinh doanh lớn có sử dụng hóa đơn, thực hiện kết nối máy tính tiền và thiết bị chấp nhận thẻ của hộ kinh doanh với cơ quan thuế để quản lý sát với doanh thu cũng như chấm dứt tình trạng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng quy định. Cần tuyên truyền mạnh để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thông tin thêm về việc phối hợp với các tỉnh dán tem cây xăng toàn quốc, nhờ đó doanh thu, sản lượng xăng trong nước tăng trên 10%, từ đó tăng số thu từ thuế bảo vệ môi trường. Tới đây việc dán tem cây xăng sẽ trở thành điều kiện kinh doanh. “Qua đây mới thấy thị trường xăng dầu trong nước bản thân nó đã phức tạp và chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ về việc dán tem các trạm xăng dầu” - Bộ trưởng bày tỏ.

Thẳng thắn, cụ thể, có số liệu dẫn chứng

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính: Lĩnh vực thuế tiềm ẩn nhiều tham nhũng ảnh 2Hoạt động nghiệp vụ theo quy trình thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan Bắc Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đã có 44 đại biểu phát biểu, đặt câu hỏi trong đó có 7 đại biểu tham gia tranh luận. Bộ trưởng đã trả lời hầu hết các nội dung chất vấn của các đại biểu. Những vấn đề chưa đủ thời gian để trả lời, Bộ trưởng trả lời bằng văn bản và sẽ được tổng hợp, đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

Trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham gia báo cáo, giải trình, làm rõ thêm những nội dung chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách, quản lý nợ công luôn được các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Nhóm vấn đề được chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính là vấn đề không mới, đã được đề cập nhiều lần trong những phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước nhưng đây là nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương và có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả của nền kinh tế, an toàn của hệ thống tài chính quốc gia nên cần có các giải pháp tập trung, thiết thực nhằm tạo chuyển biến trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, có số liệu, dẫn chứng. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung chưa có giải pháp mới, mang tính đột phá nhất là vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn mua bán hàng hóa thể hiện qua việc có nhiều đại biểu tranh luận lại.

Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý thuế, hải quan, hoạt động chống thất thu thuế, giải quyết nợ đọng đã được đẩy mạnh; cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến tích cực, quản lý nợ công cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, các nội dung chất vấn vẫn nổi lên nhiều tồn tại hạn chế đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập. Cụ thể quy mô thu ngân sách giảm, thiếu tính bền vững; tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, thất thu và nợ đọng thuế còn nghiêm trọng, vẫn xảy ra những sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Tình trạng mua bán không sử dụng hóa đơn, gian lận trong kê khai chiếm dụng thuế còn diễn biến phức tạp; việc phát hiện và xử lý hoạt động chuyển giá hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nợ công còn nhiều bất cập, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, sát mức trần cho phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đó tập trung cải cách mạnh thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa phương thức quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai hiệu quả ứng dụng rộng rãi việc khai, nộp, hoàn thuế, xử lý hồ sơ thuế điện tử.

Trong năm 2017, nếu kịp, trình Chính phủ ban hành Nghị định về hóa đơn điện tử; đẩy mạnh đề án không dùng tiền mặt, tuyên truyền vận động thực hiện nghiêm quy định về sử dụng hóa đơn trong mua, bán hàng hóa. Bên cạnh đó, huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống thất thu, phát triển hệ thống thu đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; tích cực triển khai thực hiện thông suốt cơ chế một cửa, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật trong công tác phòng chống chuyển giá, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan liên quan, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Đặc biệt, cần nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ công chức ngành thuế, hải quan, bảo đảm đội ngũ cán bộ công chức trong sạch, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong thực thi công vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục