Chất vấn trách nhiệm bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã được nêu trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng 22/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tập trung trả lời các nhóm vấn đề: công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải pháp tổng thể giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các vụ án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra...

Cùng tham gia trả lời chất vấn còn có Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Minh Quang; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, sớm phát hiện dấu hiệu vi phạm


Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến về việc thời gian qua, thanh tra phát hiện sai phạm nhiều nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra ít, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích, mục đích thanh tra chủ yếu tìm ra những mặt làm được và chưa được của đối tượng thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót và thực hiện kết luận sau thanh tra để hoạt động tốt hơn.

Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, theo quy chế phối hợp giữa thanh tra và các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án, các cơ quan sẽ bàn để thống nhất những vụ việc có dấu hiệu hình sự để chuyển cơ quan điều tra. Vì vậy, thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật thanh tra phát hiện được nhưng chuyển cơ quan điều tra ít. Tổng Thanh tra cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do cơ quan thanh tra phát hiện vi phạm chưa đầy đủ, chưa "đến nơi đến chốn". Thanh tra Chính phủ tăng cường trách nhiệm trong công tác thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm chuyển cơ quan điều tra.

Giải trình về kết quả thanh tra các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi gần 3.930 tỷ đồng nhưng mới chỉ thu hồi lại được 2.137 tỷ đồng, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng kết quả này chưa đạt yêu cầu nhưng tiến độ thu hồi cũng là mặt tích cực so với các cuộc thanh tra khác. Tổng Thanh tra cho rằng trong thời gian tới, cần đôn đốc, kiểm tra kết luận của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành theo luật quy định đối với các bộ, ngành chủ quản, các đơn vị trực tiếp là đối tượng được thanh tra. Nếu không thực hiện kết luận thanh tra sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật hành chính thậm chí là xử lý theo pháp luật.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận vừa qua có một số cuộc thanh tra ra kết luận chậm và hứa sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Chính phủ cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tham gia các cuộc thanh tra.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng phát hiện tham nhũng năm sau thấp hơn năm trước, Tổng Thanh tra cho rằng trong thời gian dài chúng ta chưa có thống kê số vụ tham nhũng, chính vì vậy số liệu những năm đầu thường cao, nhất là những vụ việc khó giải quyết. Một nguyên nhân nữa là tham nhũng hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện, người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn cao nên việc phát hiện rất khó khăn. Các giải pháp và quyết tâm giải quyết tham nhũng của Đảng, Nhà nước ngày càng mạnh mẽ nên nhiều vụ tham nhũng được giải quyết kịp thời...

Chia sẻ với Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh về việc khó phát hiện hành vi tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nhận định: Đặc thù tội phạm về tham nhũng là có trình độ, chức quyền cao và có kinh nghiệm để che giấu nên việc thanh tra thực sự khó khăn. Thừa nhận trong ngành thanh tra có những cán bộ thanh tra gây nhũng nhiễu tại đơn vị được thanh tra, Tổng Thanh tra khẳng định: Từ năm 2007 đến nay, Thanh tra Chính phủ đã xử lý 16 cán bộ, đặc biệt năm 2012 đã xử lý 6 cán bộ. Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường trách nhiệm trong việc quản lý giáo dục cán bộ thanh tra, thực hiện văn hóa thanh tra để thực hiện việc tinh giản, trong sạch bộ máy, công tâm thực hiện chức trách, trung thực trong các cuộc thanh tra.

Tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài


Về nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo thời gian qua tăng cao, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn thừa nhận là do trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó có Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm trên 70%, phần lớn là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Thanh tra Chính phủ đang phối hợp với các cấp, các ngành nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, giải pháp giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng khẳng định: Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài là đúng đắn. Cuối năm 2011, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, còn 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, qua giải quyết nhiều lần, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Thanh tra Chính phủ đã ra Kế hoạch 1130 để giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công an và các bộ, ngành thành lập 25 tổ công tác kiểm tra, rà soát tại 51 tỉnh, thành (từ tháng 5/2012 đến nay). Hiện Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương rà soát, giải quyết được 300 vụ việc. Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận tiến độ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng của Thanh tra Chính phủ còn chậm và hứa sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong thời gian sớm nhất.

Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, theo thống kê, số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm 70%, tranh chấp đất đai chiếm 20% và đòi lại đất cũ khoảng 10%. Thực hiện theo Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, và Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên & Môi trường được giao 67 vụ việc liên quan đến đất đai, trong đó Bộ đã tập trung giải quyết 36 vụ việc. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng hứa với các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước sẽ cố gắng đến hết 2012, giải quyết xong cơ bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết những giải pháp cần làm trong thời gian tới là thực hiện Luật khiếu nại và Luật tố cáo; tăng cường sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai; thực hiện Kết luận 130 của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm đến đào tạo đội ngũ thanh tra, cán bộ tiếp dân có chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho người dân...

Trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga về việc trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ không thông tin cho các cơ quan liên quan, dẫn đến việc ông Dương Chí Dũng tiếp tục được bổ nhiệm, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích trong lúc ông Dương Chí Dũng thuyên chuyển công tác thì chưa phát hiện dấu hiệu tham nhũng. Cơ quan thuyên chuyển không tham khảo ý kiến của Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ không thể cản trở việc điều động, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ trong lúc cán bộ đó chưa có dấu hiệu vi phạm.

Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ cũng cho biết, trong vụ việc Vinalines, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cơ quan công an đã xác lập chuyên án. Trong quá trình điều tra, cơ quan thanh tra đã cung cấp nhiều tài liệu. Nhưng chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm là khi thanh tra có dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan công an sớm để xử lý chứ không quá cầu toàn là khi có kết luận rồi mới chuyển - Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã nhận lỗi nghiêm túc và cho biết trong quá trình bổ nhiệm Dương Chí Dũng không nhận được thông tin từ Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, Tổng Thanh tra lại nói không nhận được kiến nghị từ cơ quan bổ nhiệm. Đại biểu Lê Thị Nga cũng đưa ra quy định tại Điều 46, Luật Thanh tra, trách nhiệm thông tin về Dương Chí Dũng thuộc về Thanh tra Chính phủ.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và khẳng định: Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Phát biểu kết luận phiên trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, trực tiếp vào vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm. Tổng Thanh tra Chính phủ đã bám sát câu hỏi chất vấn, trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, thể hiện rõ trách nhiệm của mình, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất được những giải pháp thực hiện tốt hơn chức trách, trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Ngay sau khi kết thúc phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Trong thời gian 10 ngày, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số dự án Luật; Nghị định của Chính phủ về việc tổ chức các ngày kỷ niệm, tổ chức lễ quốc tang trong trường hợp gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân; công tác thi đua khen thưởng, tiếp xúc cử tri và một số công việc xây dựng ngành của Tòa án...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục bám sát chương trình Quốc hội để làm tốt hơn công tác xây dựng Luật cuối năm. Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành hoạt động giám sát, dành ra một ngày rưỡi tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, những vấn đề đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn đều hướng tới đúng yêu cầu đối với trách nhiệm của Chính phủ nói chung và các bộ trưởng, trưởng ngành nói riêng trong việc phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian tới cần thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội cần tham mưu, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Trung ương đã đề ra trong năm nay và 5 năm tới; trong đó, lưu ý vấn đề đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số có đặc thù... Bộ Lao động Thương binh và xã hội cần đề xuất với Chính phủ triển khai đào tạo nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và vùng nông thôn nói chung; phối hợp với các ngành liên quan kiểm sát, xử lý nghiêm tình trạng lao động nước ngoài làm việc trên thị trường lao động Việt Nam vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là cần giải quyết được tình trạng nợ xấu của ngân hàng; giải quyết tình trạng tài chính của các ngân hàng, góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn để phát triển lành mạnh của các ngân hàng trong thời gian tới. Thống đốc Ngân hàng cũng cần quan tâm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng ngân hàng, trong tổng thể tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế để hệ thống ngân hàng có chuyển biến tích cực, lành mạnh.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế không được để các tổ chức tín dụng tài chính thuộc lĩnh vực quản lý trực tiếp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đổ vỡ, gây ra tình trạng xấu trong hoạt động kinh tế tài chính xã hội nói chung. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có trách nhiệm kiềm chế lạm phát hợp lý, vừa bảo đảm tăng tín dụng để ngăn chặn được khả năng suy giảm kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Tổng Thanh tra Chính phủ cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng; phối hợp với các cấp, các ngành, các cấp địa phương giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền thanh tra, tạo ra sự chuyển biến tích cực, cơ bản giải quyết khiếu kiện tồn đọng, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện mới. Tổng Thanh tra cũng cần nâng cao năng lực hiệu quả và chất lượng hoạt động của hệ thống thanh tra, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện tội phạm tham nhũng cần chuyển cho cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý nghiêm.

Thanh tra Chính phủ cũng cần khẩn trương xây dựng, sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng một cách có hiệu quả, khả thi. Công tác thanh tra các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước cần tiếp tục được triển khai, góp phần ngăn chặn thất thoát, tiêu cực trong hoạt động tái cấu trúc lại các tập đoàn, xử lý nghiêm, kịp thời những những vi phạm gây thất thoát tài sản Nhà nước./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục