Khu vực không HIV

Châu Á-TBD sẽ thành khu vực không có HIV/AIDS

Ngày 6/2, lãnh đạo các nước châu Á-TBD đã cam kết hành động để đẩy nhanh tiến trình thực hiện thành khu vực không có HIV/AIDS.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 6/2, các nhà lãnh đạo chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực và xã hội dân sự khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã cam kết hành động để đẩy nhanh tiến trình thực hiện mục tiêu trở thành khu vực không có HIV/AIDS.

Tại một hội nghị của Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) diễn ra ngày 6/2 ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, các quan chức cấp cao y tế, luật pháp và thực thi luật pháp, phát triển xã hội và các cơ quan kiểm soát ma túy cùng đại diện các cộng đồng dân cư đã nhiễm và có nguy cơ dễ bị nhiễm HIV nhất của 34 nước trong khu vực đã cùng xem xét các tiến bộ trong quá trình thực hiện các cam kết quốc tế về loại trừ HIV/AIDS; đồng thời đề xuất các biện pháp đẩy nhanh quá trình này, đặc biệt là loại bỏ các cản trở pháp lý và chính sách ngăn cản tiếp cận các dịch vụ HIV/AIDS.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành UNESCAP Noeleen Heyzer nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về phòng ngừa và điều trị bệnh HIV/AIDS, nhưng diễn biến của bệnh dịch này vẫn vượt quá tầm những phản ứng của khu vực. Châu Á-Thái Bình Dương có thể dẫn đầu thế giới trong nỗ lực giảm lây nhiễm HIV, tăng số người được điều trị HIV và hành động quyết định để loại trừ HIV trên toàn khu vực.

Trong thập kỷ qua, tỷ lệ lây nhiễm HIV toàn khu vực đã giảm 20% và hơn 1 triệu người nhiễm HIV đã được tiếp cận các nguồn thuốc điều trị HIV. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV đã giảm mạnh trong nhiều năm gần đây do dịch vụ ngăn ngừa HIV lây từ cha mẹ sang con được cải thiện và tăng cường hiệu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh thế kỷ này vẫn đang tăng lên ở một số nước và toàn khu vực vẫn chiếm tới 15% trong tổng số 34 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu. Hơn 90% trong tổng số 6 triệu người nhiễm HIV trong khu vực hiện đang sống ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Tại hội nghị, 34 nước châu Á-Thái Bình Dương đã xác định các lĩnh vực hợp tác toàn khu vực, phối hợp đa ngành, nâng cao ý chí chính trị và phân phối thích hợp các nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách và pháp lý để loại trừ các cản trở tiếp cận các dịch vụ ngăn chặn, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người bệnh HIV/AIDS và người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, có tới 90% các nước châu Á-Thái Bình Dương có luật và chính sách ngăn chặn người nhiễm HIV và những người có nguy cơ nhiễm HIV cao được tiếp cận các dịch vụ HIV, trong đó 24% người nhiễm HIV đã bị mất việc làm do bị phân biệt đối xử.

Nhiều nước châu Á đã nỗ lực cải tổ luật pháp quốc gia để ngăn chặn xu thế này nhưng để sớm đạt được mục tiêu không còn ca lây nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và không còn ca tử vong liên quan đến HIV, khu vực phải đảm bảo phản ứng hiệu quả cao hơn nữa và bền vững thông qua chương trình hành động rộng lớn hơn và phổ quát hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục