"Châu Âu cần có trách nhiệm chính trị cao hơn"

Theo Tổng thống Pháp, khủng hoảng nợ công đã làm bộc lộ các điểm yếu và khu vực đồng euro cần có trách nhiệm chính trị cao hơn.
Chiều 1/12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã có bài phát biểu rất được chờ đợi tại Toulon, trong đó ông bày tỏ quan điểm chính thức về những vấn đề quan trọng mà nước Pháp và Khu vực đồng euro đang phải đối mặt, đồng thời cũng để chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đang đến gần.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Sarkozy cho rằng chính khủng hoảng nợ khu vực tư nhân kéo dài đã đánh vào các ngân hàng và là đòn mạnh giáng vào các nhà nước, dẫn đến khủng hoảng nợ công hiện nay; và việc bảo vệ nền kinh tế phát triển tránh khỏi những tác hại của quá trình toàn cầu hóa không có nguyên tắc thời kỳ cuối những năm 1970 chính là nguyên nhân dẫn đến nợ nần của các nền kinh tế này.

[Khủng hoảng nợ công đang "rình rập" nước Pháp]

Để bảo vệ những lựa chọn kinh tế của mình thời gian qua, Tổng thống Sarkozy cho rằng nước Pháp cần "đối phó với khủng hoảng bằng công việc, bằng sự nỗ lực và khả năng làm chủ chi tiêu."

Ông khẳng định giảm thâm hụt ngân sách là cách duy nhất để Pháp có thể làm chủ được số phận; cần phải đẩy nhanh quá trình cải cách hưu trí; và hướng tăng trưởng của Pháp thời gian tới chính là "ba cuộc cách mạng": kỹ thuật số, sinh thái học và tri thức.

Ông Sarkozy cũng nhấn mạnh quan điểm bảo vệ chính sách năng lượng hiện hành và khẳng định không từ bỏ vị trí độc lập về năng lượng. Ông cũng đảm bảo với các cử tri bình dân mà Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) đang nhắm tới rằng ông không chấp nhận "xóa nhòa các đường biên giới," cho phép nhập cư ở mức có thể kiểm soát để không làm ảnh hưởng đến xã hội và các giá trij của nước Pháp.

Đối với châu Âu, Tổng thống Pháp cho rằng "đơn độc không phải là giải pháp." Theo ông, không có lựa chọn giữa mở cửa và đóng cửa, bởi đóng cửa là khai tử nền kinh tế, việc làm và mức sống của người dân.

Ông Sarkozy ca ngợi giá trị của liên minh Pháp-Đức và kết luận khủng hoảng đã làm bộc lộ các điểm yếu và mâu thuẫn của châu Âu. Vì vậy, liên minh này phải được xem xét, xây dựng lại và cần có trách nhiệm chính trị cao hơn.

Ông cũng mong muốn có một "chính phủ khu vực đồng euro," tăng cường cho Ngân hàng trung ương châu Âu, siết chặt kỷ luật ngân sách và thiết lập một cơ chế ra quyết sách dựa theo đa số cho khu vực đồng tiền chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục